Hệ lụy nhói lòng về nạn xuất cảnh lao động trái phép ở Phú Thọ

Chủ Nhật, 28/09/2014, 15:15
Giọng buồn buồn, Thượng tá Nguyễn Văn Học, Phó trưởng Công an huyện Thanh Sơn bắt đầu câu chuyện với tôi về tình trạng nhiều người dân quê miền trung du này xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài. Rất nhiều trường hợp ra đi nhưng tương lai tươi sáng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy những nỗi đau ở lại.

Bên kia miền đất hứa

Đã 2 năm trôi qua kể từ ngày đứa con hiếu thảo đi lao động ở Trung Quốc bị chết, gia đình bà Nguyễn Thị Bích ở khu Phú Sơn, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau và dường như gia đình bà vẫn không tin điều đó là sự thật. Ông, bà vẫn giữ lại tất cả những kỷ vật liên quan đến đứa con xấu số thiệt phận - cháu Nguyễn Thị Mùi, cứ khi nào nhìn thấy chúng là ông, bà lại khóc. Điều ân hận nhất với bà Bích là ngay từ đầu ông, bà đã không quyết liệt ngăn cản khi đứa con gái có ý định xuất cảnh sang Trung Quốc lao động, để bây giờ khi nhận ra thì mọi thứ đã đều là quá muộn.

Nước mắt ngắn dài bà Bích kể lại, thời điểm khi đứa con gái có ý định đi sang Trung Quốc lao động, cũng là lúc công việc đồng áng ở quê cũng đã tạm ổn định. Chưa biết tương lai thế nào nhưng nghe thấy đi làm ở bên đó công việc tốt mà lương cũng khá, hơn hẳn lam lũ ở quê nên ông, bà mới đầu còn chần chừ, sau đó cũng vẫn để cho con ra đi tìm đến “miền đất hứa”. Sau gần 1 năm vất vả, cực nhọc nơi xứ người, đứa con gái hiếu thảo chắt chiu dành dụm gửi về cho bố mẹ được gần 20 triệu đồng. Với người dân “chân chất hạt bột” như ông bà, quanh năm quen với gốc lúa bờ tre, số tiền ấy là không hề nhỏ. Vợ chồng ông bà thêm ấm lòng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn sẽ đến với cô con gái. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chẳng bao lâu sau ông bà nhận được hung tin: đứa con gái hiếu thảo, cháu Mùi đã chết.

Nghe theo lời dụ dỗ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động, anh Lê Quảng Ninh ở xã Xuân Anh, (huyện Yên Lập) đã mất nhà cửa.

Nước mắt lưng tròng, bà Bích nói: “Cháu đi một thời gian thì vợ chồng tôi nhận được tin cháu mất. Bỏ tiền ra cho con đi lúc khỏe mạnh, sau đó lại bỏ tiền ra để nhận lại thi hài con về để lo hậu sự. Đau xót lắm. Chúng tôi cũng chẳng biết cháu mất vì lý do gì. Chỉ thấy báo do cháu là lao động bất hợp pháp nên phía công ty bên kia cũng từ chối thanh toán các khoản hỗ trợ khi người lao động gặp rủi ro”.

Và những hệ lụy

Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, tính từ năm 2013 đến nay, số lượng người đi lao động trái phép đã lên tới hơn 1.000 người. Những địa bàn có số lượng người xuất cảnh lao động trái phép đông nhất phải kể đến như: Thanh Sơn, Hạ Hòa, Tân Sơn, Yên Lập… Số lượng người xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài này phần đa đều là do bị lôi kéo với những lời hứa về một miền đất hứa với lương cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Lợi dụng nhu cầu việc làm của số lao động nhàn rỗi, số lao động tự do có thu nhập thấp và thông qua quan hệ gia đình, bạn bè, số đối tượng đã và đang ở Trung Quốc về thăm thân tiếp cận, tuyên truyền và lôi kéo sang Trung Quốc lao động. Để tạo niềm tin, các đối tượng này còn có cả hợp đồng viết tay với người lao động đảm bảo đưa được người sang Trung Quốc, sắp xếp công ăn việc làm, nếu không sẽ hoàn trả lại tiền.

Thượng tá Nguyễn Văn Học, Phó trưởng Công an huyện Thanh Sơn cho biết, vấn đề xuất cảnh trái phép đi lao động ở Trung Quốc, Thái Lan đang được các cấp chính quyền địa phương hết sức quan tâm để giải quyết. Tình trạng lao động trái phép đang gây ra những ảnh hưởng xấu trong xã hội như: nhiều trường hợp lao động trái phép đi về đã du nhập lối sống thực dụng, mắc vào các tệ nạn xã hội, gây mâu thuẫn trong gia đình; lao động trụ cột đi để lại người già và trẻ nhỏ, các em không được quản lý, dạy dỗ dễ sa vào các thói hư tật xấu… Công an huyện Thanh Sơn đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo xuống từng xã thành lập các tổ vận động tuyên truyền với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể xuống từng hộ dân để tuyên truyền, vận động. Trong đó lực lượng Công an đóng vai trò quan trọng và xây dựng các bài tuyên truyền. Bên cạnh đó Công an huyện Thanh Sơn còn huy động lực lượng an ninh, phong trào xuống địa bàn để nắm bắt các đối tượng dẫn dắt, rủ rê, để lực lượng Công an có phương án xử lý. Từ đầu năm 2014 đến nay, Công an huyện Thanh Sơn đã bắt, xử lý 4 đối tượng dẫn dắt, rủ rê lao động xuất cảnh trái phép.  

Xã Lương Sơn, huyện Yên Lập là một trong những địa phương thời gian qua có số lượng người xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài. Ông Đinh Văn Mào, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Yên Lập cho biết, lực lượng xuất cảnh lao động trái phép chủ yếu là thanh niên. Đây đang là lực lượng lao động chính ở địa phương. Bên cạnh khó khăn về sản xuất thì các chi đoàn ở các khu dân cư hiện cũng khó hoạt động do thiếu đoàn viên. Việc thực hiện chính sách ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Mào ví dụ năm 2013, có đợt gọi nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự, địa phương chỉ đạt được 80%.

Ông Vũ Đình Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết, để giải quyết vấn đề lao động trái phép, huyện đang xây dựng các chương trình tạo công ăn việc làm cho người lao động. Huyện đang giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các công ty đưa lao động sang Malaysia để hợp tác tuyển dụng lao động tại địa phương. Ông Thu cho biết thêm, huyện cũng sẽ mở các lớp dạy nghề để tạo dựng nghề nghiệp cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu các giải pháp trên có giải quyết được tình trạng xuất cảnh trái phép để đi lao động ở nước ngoài đang tồn tại trên địa bàn thời gian qua? Những giải pháp như dạy nghề nuôi cá, chăn nuôi lợn không đi kèm với những biện pháp hỗ trợ người nông dân liệu có hiệu quả? Mở các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề thì dạy nghề gì, học xong đơn vị nào sẽ tuyển dụng số lao động này vào làm? Đây thực sự là câu hỏi lớn đang đặt ra cho các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ

Phan Hoạt - Nguyễn Chung
.
.
.