Hậu quả khôn lường do tự dùng thuốc

Thứ Năm, 01/07/2010, 11:10
Bị biến chứng do tự dùng thuốc đã được khuyến cáo nhiều, nhưng hằng ngày vẫn có nhiều người bệnh tự mua thuốc về uống theo kinh nghiệm, theo sự mách bảo của người khác mà không đi khám bác sĩ. Tự dùng thuốc dẫn đến bị ngộ độc thuốc, dị ứng thuốc, nhiễm độc da dị ứng hoang tưởng… nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Suýt chết vì "tự làm bác sĩ"

Mới đầu giờ sáng mà Khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đã ngột ngạt bởi người nhà ra vào chăm sóc bệnh nhân đông. Một bệnh nhân trên người nổi đầy những vết đỏ rộp như mề đay đang được người nhà dìu vào viện, miệng luôn kêu rên vì đau đớn.

Vào một phòng bệnh, chúng tôi chứng kiến một bệnh nhân bị dị ứng thuốc khá nặng, trên người chỉ đắp tấm vải mỏng. Bệnh nhân này ở Hoà Bình, bị nổi những vầng đỏ như kê từ mặt đến chân do tự mua thuốc kháng sinh về uống. Sau khi uống thuốc vài tiếng, bệnh nhân thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, da bắt đầu nổi những nốt đỏ. Bệnh nhân được gia đình đưa xuống bệnh viện trong tình trạng toàn thân sưng vù, đỏ tấy như con tôm luộc.

Anh Nguyễn Văn Hậu, chồng của bệnh nhân cho biết: "May mà vợ tôi đến đây còn kịp, nếu cấp cứu muộn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi không ngờ uống có mấy viên thuốc mà ra nông nỗi thế". Vợ anh Hậu đưa gương mặt sưng vù đỏ tấy mệt mỏi nhìn chúng tôi. Chị không được mặc quần áo bởi nhiều chỗ da bị loét, ăn uống rất khó khăn, nhất là việc vệ sinh hằng ngày như là một cực hình.

Điều trị cho bệnh nhân bị dị ứng thuốc.

Cách đây không lâu, Khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhân bị dị ứng do uống thuốc cefataxin. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, bị xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc. Chỉ vì không đi khám bác sĩ, bệnh nhân tự mua thuốc kháng sinh cefataxin về dùng và kết quả là phải nhập viện trong tình cảnh "thập tử nhất sinh".

Theo một bác sĩ ở Khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng thì tình trạng bệnh nhân bị dị ứng thuốc trong vài năm gần đây có chiều hướng tăng do người bệnh tự mua thuốc về dùng. Nhiều bệnh nhân vào nhập viện muộn, sức khỏe suy sụp, bệnh nặng phải điều trị dài ngày. Dị ứng có thể xảy ra với bất kỳ thuốc nào, từ thuốc uống, tiêm, bôi, dịch truyền, thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, chống viêm, co giật, đến cả đông y. Có bệnh nhân đến viện bị nhiễm độc da dị ứng do dùng thuốc penicillin, analgin… Người bệnh bị nhẹ thì mẩn đỏ khắp người, nặng thì sốc phản vệ, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bị hoang tưởng vì uống thuốc không theo đơn

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 - Nghiện chất, Viện sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào vào mùa thi, Viện cũng tiếp nhận một vài trường hợp học sinh bị rối loạn trí nhớ do tự uống thuốc "bổ não". Dù những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp cảnh báo các phụ huynh không nên tự mua thuốc tăng cường trí nhớ về cho con uống, nhưng trên thị trường dược phẩm, các loại thuốc bổ não lại được mua bán rất sôi động. Đấy là chưa kể, bước vào mùa thi, nhiều hãng dược phẩm rùm beng quảng cáo, thậm chí có những quảng cáo giật gân nhằm câu khách về các loại thuốc có thể làm cho con người tỉnh táo và phục hồi trí nhớ.

Theo bác sĩ Dũng, ở Việt Nam hiện có rất nhiều loại thuốc tăng cường trí nhớ, tăng cường cảm xúc, thuốc cường thần hay thuốc hưng thần, thuốc chống trầm cảm… Những loại thuốc này làm cho người sử dụng lệ thuộc vào nó như một chất gây nghiện.

Bác sĩ Dũng cho biết, không những trẻ em mà cả người lớn đã phải vào nhập viện vì bị rối loạn tiền đình, hoảng hốt, hoang tưởng do tự uống thuốc tăng cường trí nhớ. Bác sĩ Dũng cảnh báo: "Chức năng não của trẻ có rất nhiều sự khác biệt so với người trưởng thành. Não trẻ còn sự phát triển và tăng số lượng các noron thần kinh. Mạch máu của trẻ không bị biệt hoá bởi các chất gây xơ cứng, lưu lượng tuần hoàn trẻ đầy đủ với số lượng và chất lượng. Sự mệt mỏi của trẻ sau mỗi lần cố gắng học tập hay lao động chỉ là tức thời và chỉ cần một giấc ngủ là trở lại bình thường. Giấc ngủ của trẻ sẽ làm ổn định cảm xúc và giúp trẻ tỉnh táo lại sau những mệt mỏi".

Người uống thuốc mà có biểu hiện nặng như kích thích thần kinh phế vị, nôn khan hay nôn liên tục, đầu óc quay cuồng, không thể ngồi yên một chỗ, bồn chồn bất an, nặng hơn nữa thì cười nói vô duyên, nhảy múa hay sợ hãi việc gì đó sẽ xảy ra với mình, rối loạn thần kinh thực vật… thì cần đến ngay bệnh viện. Bác sỹ Dũng khuyến cáo, tuyệt đối không được phép dùng thuốc bổ não khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nó sẽ gây dị ứng với các thành phần của thuốc và gây nguy hiểm đến tính mạng.

"Tự làm bác sĩ" đã gây ra hậu họa cho sức khỏe của chính mình. Cơ địa mỗi người một khác, do đó khi bị bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và bác sĩ kê đơn thuốc. Không nên tự ý mua thuốc về dùng vì rất có thể xảy ra ngộ độc thuốc, dị ứng thuốc.

Là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân này, bác sĩ Dũng kết luận: Lúc mới uống thuốc, bệnh nhân đều thấy mình khỏe hơn, đầu óc tỉnh táo và rất linh hoạt, muốn đọc sách hay làm công việc đang dang dở. Tuy nhiên, thời gian tỉnh táo đó sẽ kéo dài đến khi thuốc bản huỷ hay suy giảm trong cơ thể, người sử dụng lại cảm thấy mệt mỏi và nhu cầu dùng thuốc lại tiếp diễn. Người sử dụng mong muốn các loại thuốc có tác dụng tốt hơn, nhanh hơn, kéo dài hơn nhưng đâu biết rằng, thời gian dùng thuốc ngày một ngắn lại do chính sự mệt mỏi của não.

Trần Hằng
.
.
.