Hàng trăm hộ dân lo ngay ngáy vì... khai thác cát trên sông Hậu
Nhận được tin báo của người dân, trưa 2/6, PV Báo CAND đã theo Quốc lộ Nam sông Hậu rồi tìm đò ngang vượt sông Hậu để đến cồn Trâm, cồn Cò (thuộc xã An Lạc Tây) và cồn Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, cùng thuộc huyện Kế Sách, Sóc Trăng).
Người dân bắt đầu lo khi thấy một doanh nghiệp khai thác cát được phép vào đây hoạt động. Không thể không lo khi việc khai thác cát không chỉ gây xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc mưu sinh của người dân mà còn làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đến mức có thể xóa sổ nhiều cồn bãi đã thành danh, có đông đúc dân sư sinh sống trên sông Hậu…
Khi đặt chân lên cồn Cò thì chúng tôi được ông Võ Tấn Đạt - Trưởng ấp, kiêm Bí thư Chi bộ ấp An Tấn (xã An Lạc Tây) cho biết: Hơn 200 hộ dân thuộc ấp An Tấn và 400 hộ dân ở cồn Phong Nẫm (thuộc xã Phong Nẫm) đã ký vào đơn kiến nghị tập thể gửi cho 3 cấp chính quyền của tỉnh Sóc Trăng, Đoàn đại biểu Quốc hội, Điện lực Sóc Trăng và UBMT TQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng.
Người dân trên cồn thuộc ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách mất ăn, mất ngủ và chịu nhiều thiệt hại do sạt lở nay thấy phương tiện hút cát đến hoạt động, lại lo thêm. |
Trong đơn, bà con bày tỏ tâm trạng lo lắng: “Con sông nhánh nằm giữa cồn Cò và cồn Phong Nẫm dài khoảng 3.000m, có đoạn rộng 400m, có đoạn rộng 600m. Khoảng 6 năm trước, người dân chúng tôi nhất là những hộ nằm sát mé sông phải chịu cảnh sạt lở triền miên và hết sức nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của chúng tôi. Từ 6 năm trở lại đây, nhờ phù sa bồi đắp, dòng chảy yếu đi, việc sạt lở đã giảm hẳn. Cùng với công trình đê bao do Nhà nước quan tâm đầu tư, chúng tôi rất mừng và yên tâm sản xuất. Thế nhưng, gần 1 tuần nay, có một doanh nghiệp khai thác cát từ Đồng Tháp đem phương tiện tới cạp cát, nói rằng thời gian được cấp phép khai thác đến 5 năm, chúng tôi hết sức hoang mang”.
Cùng buổi trưa 2/6, trong căn nhà nhỏ nằm sát khu vực từng sạt lở nguy hiểm, đại diện cho hàng trăm hộ dân phía cồn Phong Nẫm - ông Nguyễn Văn Thành, 60 tuổi, kể: “Có khoảng gần 100 hộ dân nghèo, bao đời nay sống bằng nghề câu, lưới cặp bờ cồn đoạn sông này. Từ khi mấy chiếc xáng cạp kéo tới, bà con người bỏ nghề, người phải đi xa hơn, đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn để kiếm tôm, kiếm cá”.
Bà con thật sự khốn khổ khi phải chịu sự tra tấn do mấy chiếc xáng hoạt động chẳng theo nền nếp, quy luật nào. “Nó cạp í đùng 24/24h. Ở đây toàn dân lao động, đi làm quần quật cả ngày, tối về quý lắm giấc ngủ. Hôm nó làm tới nay chẳng ngủ nghê gì được”. Tôi hỏi khoảng cách từ vị trí mấy chiếc xáng vô tới bờ, bà cho biết: “Ban ngày thì nó làm theo phao giới hạn đàng hoàng lắm. Nhưng tối đến, nó đem cần cạp vô sát bờ. Gần đến nỗi, ai khỏe tay lấy cục đất chọi cũng tới nó”.
Chúng tôi mượn ghe của người dân men theo sông Hậu tấp vào khoảnh đất ở đầu cồn của anh Lê Văn Phăng, chúng tôi được nghe anh kể về sự thiệt hại và ảnh hưởng do bị sạt lở. Anh Phăng nghẹn ngào: “Tích cóp dành dụm bao năm mới được chút tiền mua lại phần đất này để nuôi cá tra. Thấy bà con mua thân cây dừa lão, cặm xuống, tôi cũng làm theo. Hai tháng trời lặn ngụp, tổng cộng hơn 300 triệu đồng mới được cái kè nhưng rồi chỉ được hơn một tháng. Tất cả đều theo hà bá”.
Đứng trên bờ đê với mấy mõm đất còn sót lại, chưa biết đổ ập xuống sông vào lúc nào, anh Dũng - người bạn góp vốn nuôi cá cùng anh Phăng, chỉ xuống hai cái ao với tổng diện tích mặt nước gần 1 hecta, kể tiếp chuyện mà muốn khóc: “Lúc bờ bao bị lở, cá mới thả được 2 tháng. Tiền đầu tư cho hai ao tốn đứt 400 triệu đồng, giờ đành bỏ hoang…”.
Người dân cho biết, qua theo dõi báo đài mấy ngày qua, khu vực thượng nguồn sông Hậu, sông Tiền đang sạt lở đến mức chính quyền phải công bố tình trạng khẩn cấp, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong những nguyên nhân gây sạt lở, có nguyên nhân của tình trạng khai thác cát, tận vét cát dưới lòng sông một cách vô tội vạ.
Ông Thanh bức xúc: “Chúng tôi không biết họ đi khảo sát thế nào mà cho doanh nghiệp vào đây hút cát. Sao không thăm dò ý kiến của người dân chúng tôi - những người bao đời gắn với vùng cồn bãi này. Càng lạ hơn khi nói rằng doanh nghiệp được phép vào hút cát, sao dân chúng tôi không được thông báo kế hoạch cụ thể nào cả, ít nhất là giờ giấc hoạt động trong 1 ngày, số lượng phương tiện, khoảng cách nơi phương tiện lấy cát so với bờ,… để chúng tôi giám sát họ có tuân thủ đầy đủ những cam kết với chính quyền hay không”.
Mang những trăn trở của bà con để hỏi thì chúng tôi được ông Lý Hóc Khị - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết, việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát khu vực kể trên là do Sở Tài nguyên và Môi trường. “Mới đây, chúng tôi cũng biết bà con bức xúc, ký đơn tập thể gởi nhiều nơi. Bà con bức xúc là đúng!” - ông Khị nói.
Báo CAND xin chuyển câu chuyện này đến lãnh đạo và ngành chức năng của tỉnh Sóc Trăng