Hàng chục hộ nông dân khốn đốn vì ủy thác “sổ đỏ” vay vốn

Thứ Năm, 28/03/2013, 19:49

Tháng 7/2009, PV Báo CAND từng có bài phanh phui một số đối tượng có hành vi lừa đảo qua việc thu gom hàng loạt sổ đỏ của nông dân Đồng Tháp. Cơ quan CSĐT Công an Đồng Tháp sau đó đã vào cuộc, khởi tố bắt tạm giam nhiều đối tượng. Thế nhưng cho tới nay vụ án vẫn còn nằm trong vòng tố tụng. Và người mang nỗi niềm lại chính là những nạn nhân của vụ án – những nông dân chân lấm tay bùn...

Khi chủ cây xăng giăng bẫy

Kết quả điều tra đúng như Báo CAND đã phản ánh: Huỳnh Vũ Thuận (năm nay 38 tuổi, ngụ thị trấn thuộc huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) là chủ DNTN Tây Hồ. Gần cuối năm 2008, lo sợ toàn bộ tài sản sẽ bị phát mại bởi món nợ trước đó gần 2 tỷ đồng nên Thuận nảy sinh ý định tìm cách vay vốn của ngân hàng để trả nợ. Không còn tài sản thế chấp nên Thuận bàn với Huỳnh Thanh Bình tìm gặp các hộ nông dân có sổ đỏ, có nhu cầu vay vốn...

Gặp các hộ dân, Bình nói rằng Thuận đang là chủ cây xăng, lại đang có dự án nuôi cá, có tài sản nhiều và lại quen với cán bộ ngân hàng. Nếu dùng sổ đỏ của các hộ dân, cùng với dự án nuôi cá của Thuận thì Thuận có thể vay giùm họ với lãi suất thấp và vay được nhiều tiền. Điều kiện mà Bình kèm theo là các hộ dân phải trả phí hoa hồng 5%, phí thẩm định 500.000 đồng/bộ hồ sơ vay và phải trả lãi trước 6 tháng. Bình đã giới thiệu cho Thuận 23 hộ dân có nhu cầu vay vốn. Các hộ dân không biết rằng, Thuận chẳng hề có dự án nuôi cá gì cả. Và khi làm hồ sơ vay, Thuận luôn ghi số tiền cao hơn nhu cầu của các hộ dân rất nhiều.   

Để thuận lợi từ phía ngân hàng, Thuận đã bàn bạc với Bình chung chi cho Phạm Công Hải, Phó Phòng giao dịch Hồng Ngự, Vietcombank Đồng Tháp, 137 triệu đồng (khoản 3% còn lại của phí hoa hồng sau khi trích chi cho Bình 2%). Tổng cộng Thuận đã được Vietcombank Đồng Tháp và Ngân hàng TMCP Kiên Long tại Đồng Tháp duyệt cho vay 6,6 tỷ đồng. Thuận chiếm đoạt 3,725 tỷ đồng tiền chênh lệch.

Vì cả tin, những người nông dân này bỗng chốc mất đất, mất nhà.

Nông dân bỗng dưng mắc nợ số tiền “khủng”

Sau khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm, các nạn nhân có đơn kháng cáo nội dung mà HĐXX đã tuyên. “Chúng tôi thực nhận tiền vay bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, sao lại buộc chúng tôi cùng với chủ DN lừa đảo có trách nhiệm liên đới trả cho ngân hàng số tiền kể trên và tiền lãi phát sinh” - một nông dân bức xúc bày tỏ.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Tháp cũng đã có quyết định kháng nghị (phần dân sự) bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp. Theo nội dung của quyết định kháng nghị, là người đại diện của Vietcombank Đồng Tháp, với tư cách là một bên tham gia ký kết hợp đồng tín dụng để cho vay nhưng vì nhận tiền hối lộ của Thuận nên Phạm Công Hải đã chủ động và cố ý tạo lập hồ sơ không đúng sự thật. Hải thừa nhận mình biết rõ người ký hợp đồng vay tiền không phải là những người vay tiền thực sự, không có phương án sử dụng vốn vay nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ nhưng vẫn xác lập các hợp đồng tín dụng, tạo điều kiện cho Thuận chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Còn Thuận đã dùng thủ đoạn gian dối để xác lập các hợp đồng tín dụng giữa các đương sự với ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Theo Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, chính thực tế này nên những hợp đồng tín dụng được xác lập giữa các đương sự và ngân hàng đều là hợp đồng vô hiệu do giả tạo. Vì thế các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả nhau những gì đã nhận…

Viện KSND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án theo hướng buộc Huỳnh Vũ Thuận có trách nhiệm trả cho Vietcombank số tiền mà Thuận đã chiếm đoạt và lãi suất của ngân hàng. 16 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ trả vốn vay mà họ thực vay… 

Với 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ, HĐXX TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt Huỳnh Vũ Thuận 19 năm tù giam; Huỳnh Thanh Bình 13 năm tù giam. Phạm Công Hải bị tuyên phạt 14 năm tù giam vì hai tội cố ý làm trái quy định của của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ.

Binh Huyền
.
.
.