Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi 50 triệu đồng/năm quá lạc hậu
Theo phân tích của ông Tú, đến nay, có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã khác, đặc biệt là những chỉ số căn cứ để đưa ra hạn mức chi trả BHTG như: Thu nhập GDP bình quân đầu người, mức lạm phát hàng năm và một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác đã có sự thay đổi. Bởi vậy, việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo hướng tăng lên là hợp lý, để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Việc này sẽ được các cơ quan chức năng, trong đó có NHNN và BHTG nghiên cứu, tính toán và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho phù hợp trong thời gian tới.
Theo ý kiến một số chuyên gia, hiện giờ, trung bình cứ 10 người gửi tiền thì 8 người gửi nhiều hơn con số 50 triệu kể cả ở những địa phương không mạnh về kinh tế. Chính vì thế, hạn mức chi trả BHTG nên đưa lên gấp 5-6 lần thu nhập bình quân đầu người hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ này đã được áp dụng ở một số quốc gia như Thái Lan, Philippines và Hoa Kỳ.
Qua quá trình thực hiện một số khảo sát, đa phần ý kiến của người dân đều có ý kiến tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi từ khoảng 150 triệu đến 300 triệu đồng. Cùng với đó, nâng hạn mức không chỉ đơn giản là trả nhiều tiền hơn cho người gửi tiền sau khi ngân hàng bị đổ vỡ. Quan trọng hơn là tổ chức bảo hiểm phải thực sự giám sát, chấn chỉnh được ngân hàng trước khi ngân hàng đổ vỡ.
Về ý kiến này, Phó Thống đốc Tú cho rằng cần xác định hạn mức chi trả như thế nào phải tính toán một cách khoa học, hợp lý trên cơ sở những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Đồng thời, phải tính toán trên khả năng nguồn lực của BHTG hiện nay. Chúng ta cũng cần tìm một phương thức, một cơ chế tổ chức chi trả BHTG như thế nào cho phù hợp trong trường hợp BHTG phải thực hiện trách nhiệm chi trả tiền gửi, kết hợp với việc học tập kinh nghiệm các nước sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định hạn mức BHTG cao hơn mức hiện nay một cách tích cực và phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của người gửi tiền.
Riêng về việc áp dụng tính phí tùy theo mức độ rủi ro các ngân hàng, Phó Thống đốc khẳng định đây là xu hướng trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, chúng ta đang quy định mức phí chung cho tất cả các tổ chức tín dụng là 0,15% trên số dư bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là mức phí cào bằng, chưa thực sự phù hợp trong điều kiện kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, muốn có một mức phí khác nhau áp dụng cho các TCTD trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro hay mức độ ổn định của các TCTD là một vấn đề hết sức phức tạp. Bởi vì, việc này nếu làm không khéo, không tuyên truyền giải thích đầy đủ tạo ra sự yên tâm, tin tưởng cho người dân thì cuối cùng khi áp dụng một mức phí khác nhau cho các TCTD có mức độ rủi ro khác nhau, nhiều khi lại gây lầm tưởng cho chính người dân rằng những TCTD đó là yếu kém, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với TCTD. Do đó cần chọn thời điểm phù hợp thì mới áp dụng cơ chế đó.
"Trước mắt, việc áp dụng theo mức phí bình quân 0,15% hiện nay đang được xem là một trong những chính sách đảm bảo sự ổn định và hài hòa, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện chương trình củng cố và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại" - Phó Thống đốc khẳng định