Hải Phòng: Nhiều cây xanh đô thị đang bị bức tử

Thứ Năm, 06/11/2014, 08:33
Theo ông Nguyễn Phi Hải, tổ trưởng tổ thanh tra, Công ty Công viên cây xanh Hải Phòng, trên địa bàn TP Hải Phòng tình trạng chặt phá cây trái phép diễn ra phức tạp, dưới nhiều hình thức có tính chất hủy hoại cây xanh như: cắt, tróc vỏ quanh dốc, đốt vỏ, đổ hóa chất vào gốc làm cho cây chết rất đáng quan ngại.

Trung bình mỗi năm có 250-300 vụ huỷ hoại, xâm hại cây xanh đô thị. Sau mỗi vụ việc xảy ra, đơn vị đều có công văn gửi chính quyền và lực lượng chức năng (Công an phường, Thanh tra đô thị, Thanh tra xây dựng) địa phương nhưng kết quả điều tra vụ việc không mang lại kết quả. Theo thống kê, từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng thanh tra của Công ty Công viên cây xanh Hải Phòng đã phát hiện, lập biên bản gần 100 vụ xâm hại cây xanh đô thị với các hành vi: xe ô tô va quệt làm gẫy đổ thân cây, người dân tự ý chặt phá, đổ chất độc (a xit, nước muối, nước nóng vào gốc cây)… làm chết cây. Khi bị phát hiện, lập biên bản vi phạm, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân có thái độ bất hợp tác, không thừa nhận hành vi vi phạm. Lực lượng thanh tra của Công ty Công viên cây xanh có chức năng phát hiện, ngăn chặn việc xâm hại cây xanh nhưng lại không có chức năng xử phạt hành chính.

Cây xanh đô thị bị chặt.

Trong khi đó, chính quyền cơ sở thường không quan tâm đến việc tuyên truyền nhắc nhở, phối hợp kiểm tra, xử lý những hành vi xâm phạm cây xanh đô thị. Đây là nguyên nhân chính khiến cho cây xanh đô thị thường xuyên bị đốt gốc, chặt rễ, triệt hạ dưới mọi hình thức. Trong quá trình cải tạo vỉa hè, nâng cấp đường phố, chỉnh trang đô thị, đơn vị thi công cố tình chặt bớt rễ cây để việc thi công được tiện lợi. Hậu quả, cây bị loại bỏ quá nhiều rễ lớn, không còn độ bám vào đất, dẫn đến cây chết đứng, hoặc đổ ngả mỗi khi có giông gió thất thường. Hoặc các hộ dân ven đường phố trong quá trình xây dựng cải tạo nhà, hạ vỉa hè, muốn mặt bằng kinh doanh rộng, thuận lợi để tập kết hàng hoá hoặc chỗ để phương tiện cho khách hàng… chặt, hủy hoại cây xanh đô thị, cây bóng mát đường phố. Hiện nay, những hành vi này chưa có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dù thiệt hại trực tiếp từ hành vi xâm hại cây xanh đô thị gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 64CP, hành vi triệt hạ cây xanh trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt gấp từ 5-10 lần giá trị cây. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền đô thị tại các địa phương vẫn thờ ơ, buông lỏng quản lý. Do đó, ngoài những cố gắng nỗ lực của đơn vị quản lý chuyên ngành, các ngành chức năng, chính quyền cấp quận, phường cần nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc đô thị về quản lý cây xanh. Đồng thời, UBND thành phố Hải Phòng cần ban hành quy chế bảo vệ cây xanh đô thị, nâng cao ý thức tự giác bảo vệ cây xanh của người dân

Đăng Hùng
.
.
.