Hải Phòng: Ngổn ngang bài toán công nhân mất việc
Còn nhớ, những năm trước đây, ở thời điểm sau Tết, các doanh nghiệp ở Hải Phòng lại trong một thái cực hoàn toàn khác: Lao đao vì thiếu công nhân, thậm chí có doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40% lao động trở lại làm việc. Tình thế đã hoàn toàn đảo chiều.
Theo Liên đoàn Lao động Hải Phòng, đến thời điểm này, toàn thành phố đã có khoảng 4.000 lao động bị mất hoặc giãn việc. Tuy nhiên, con số từ nguồn tin không chính thức đưa ra lớn hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, số liệu báo cáo của một doanh nghiệp giày cho hay: Doanh nghiệp này chỉ có 900 công nhân tạm thời phải thôi việc nhưng rất nhiều người lao động ở đây đã nói khác.
Chị Phạm Thị Vân, ở xã Thái Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng, công nhân của doanh nghiệp này khẳng định ở chỗ chị, khoảng 2.500-3.000 công nhân đã phải nghỉ làm" sau Tết Kỷ Sửu...
Theo một số công nhân trước đây làm việc tại Nhà máy Chế biến cà chua Hải Phòng, nay đã được Công ty TNHH Lê Quốc mua lại, thì thời gian vừa qua, khá nhiều người lao động ở đây đã phải nghỉ hoặc giãn việc.
Với khoảng 30 nhân công còn lại của dây chuyền chế biến sản phẩm nông nghiệp cũ, doanh nghiệp này đang cố sức tìm việc giúp công nhân của họ vượt qua khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, từ tháng 1/2009, người lao động phải tự đóng toàn bộ số tiền bảo hiểm xã hội hằng tháng. Tuy có chút bất bình nhưng tất cả số lao động này vẫn chấp nhận bởi với họ thà thiệt thòi đôi chút còn hơn bị mất việc làm.
Cũng theo phản ánh của nhiều lao động Hải Phòng thì hiện nay, không ít doanh nghiệp đang gia tăng sức ép về công việc, cũng như thắt chặt kỷ luật lao động đối với họ.
Chị Hà Thị Nguyệt, công nhân Công ty TNHH Pioneer, Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, nói: "Trước đây, một số lỗi nhỏ của người lao động như nói chuyện trong giờ làm, nghe điện thoại di động, đi vệ sinh hơi lâu hoặc không báo cáo… chỉ bị nhắc nhở, nhưng bây giờ, hễ vi phạm là bị đuổi việc ngay. Nghe nói có nơi, công nhân chỉ 1 lần đi nhầm vào luồng đường dành cho phương tiện khác cũng bị đuổi việc".
Được biết, tháng 1/2009, Luật Bảo hiểm thất nghiệp chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, theo luật này, người lao động sẽ chỉ được hưởng khoản bảo hiểm thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi mất việc, đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc, chưa tìm được việc làm khác sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan LĐ-TB&XH.
Nghĩa là, sớm nhất đến năm 2010, việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp mới bắt đầu. Trong khi đó, ngay tại thời điểm này, đã có hàng vạn lao động bị giảm hoặc mất việc làm.
Điều đáng nói, trong tổng số người lao động bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, lượng nhân công bị giãn việc chiếm khá đông.
Giãn việc, tức là phải nghỉ việc luân phiên, cũng có nghĩa là họ không được coi là người thất nghiệp và đương nhiên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với lao động làm việc trong nước đã vậy, còn những người đi xuất khẩu lao động thì sao? Câu trả lời là không vui. Bởi lẽ, các đơn đặt hàng lao động xuất khẩu giảm nghiêm trọng; nhiều công nhân Việt
Rõ ràng, đây là thời điểm rất dễ xảy ra nguy cơ một số đối tượng xấu lợi dụng tình trạng công nhân thất nghiệp nhiều để lừa đảo xuất khẩu lao động, trục lợi cá nhân. Người dân khi có nhu cầu cần đến các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động đã được Sở LĐ-TB&XH thẩm định.
Khi dòng chảy lao động phổ thông mất việc làm chảy ngược về nông thôn, những biến động về an ninh trật tự chắc chắn sẽ xuất hiện. Với số người tìm mọi cách bám trụ thị thành, dự báo cũng có nhiều phức tạp.
Theo một số người dân ở khu vực thị trấn An Lão, huyện An Lão, Hải Phòng, họ tận mắt thấy một số nữ công nhân da giày đã vào làm ở các nhà nghỉ quanh thị trấn, sau khi rơi vào cảnh thất nghiệp…