Hải Phòng: Chưa mưa bão, đê kè đã xói lở

Thứ Sáu, 25/05/2007, 14:51

Theo kết quả kiểm tra đầu năm 2007, Hải Phòng có 207,215km đê kém ổn định (chiếm 49,03%), 61,584km đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao (chiếm 14,57%); 19,099km kè chưa đảm bảo an toàn (chiếm 30,55%), 14,376km kè xung yếu (chiếm 23%); 166 cống kém an toàn (chiếm 42,24%), 78 cống xung yếu (chiếm 19,85%).

Hệ thống đê, kè ở Hải Phòng trước mùa mưa bão đang trong tình trạng báo động. Đó la nhận xét từ thực tế của Thạc sĩ Nguyễn Bá Tiến - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều Hải Phòng.

Ông Tiến cho rằng, do chiều dài đê lớn, chịu tác động thường xuyên của sóng, gió, thuỷ triều, dòng chảy làm cho tốc độ bào mòn đê xuống cấp nhanh, trong khi kinh phí tu bổ đê kè còn hạn chế nên tiêu chuẩn thiết kế cũng như năng lực phòng chống lũ bão của hệ thống đê, kè Hải Phòng không thể nói đã an toàn...

Hầu hết đê chỉ đảm bảo khả năng chống đỡ bão cấp 9 triều cường

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Bá Tiến, Hải Phòng có 24 tuyến đê với tổng chiều dài 422,629km. Trong đó, 6 tuyến đê biển dài 104,265km, 18 tuyến đê sông dài 318,364km. Thêm vào đó là 76 công trình kè với tổng chiều dài 62,516km (35,668km kè đê biển và 26,848km kè đê sông); 393 cống dưới đê (69 cống dưới đê biển, 324 cống dưới đê sông).

Khảo sát, kiểm tra vào đầu năm 2007, thấy rằng 207,215km đê kém ổn định (chiếm 49,03%), 61,584km đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao (chiếm 14,57%); 19,099km kè chưa đảm bảo an toàn (chiếm 30,55%), 14,376km kè xung yếu (chiếm 23%); 166 cống kém an toàn (chiếm 42,24%), 78 cống xung yếu (chiếm 19,85%).

Đây có thể được coi là những con số khảo sát chỉ mang tính tương đối, thực tế do chịu tác động thường xuyên của các yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt, năng lực phòng chống lũ bão của các tuyến đê đều ở mức báo động.

Cùng với đoàn về kiểm tra một số tuyến đê biển, chúng tôi thấy đê Hữu Bạch Đằng, Tràng Cát, đê biển 1, đê biển 2, 3 và đê vùng huyện Cát Hải là những nơi đang được nâng cấp theo chương trình đê biển của Chính phủ (chiếm khoảng gần 30%) còn lại tất cả các tuyến chỉ đảm bảo khả năng chống đỡ bão cấp 9 triều cường, chưa đảm bảo an toàn với bão cấp 10, triều cường tần suất 5%.

Tình trạng trên có thể thấy rõ nhất ở hệ thống đê trên địa bàn huyện Kiến Thụy và thị xã Đồ Sơn. Tuyến đê tả sông Văn úc đã có tới 21,1km (chiếm 55,5%) đê kém ổn định, 8,2km đê xung yếu (chiếm 18%). Chưa kể hơn 50% km kè đê nằm trong tình trạng kém ổn định và xung yếu, 18/32 cống dưới đê không có khả năng hoạt động khi bão lũ về.

Nhìn tổng thể có thể thấy, 2 năm trở lại đây, dù chưa gặp bão lũ lớn nhưng vào mùa mưa nhiều tuyến đê, kè đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Cấp thiết tu bổ đê, kè

Năm 2007, dự án tu bổ đê điều thường xuyên của thành phố được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tổng mức đầu tư là 54,61 tỷ đồng (vốn TW 22 tỷ, vốn thành phố 32,61 tỷ). Trong đó, thực hiện đào, đắp 523.834m3 của 27 hạng mục tu bổ đê; gia cố bê tông mặt đê với 2 hạng mục, thực hiện 3.900m3, cùng với việc xây mới 3 cống dưới đê.

Cũng trong năm 2007, UBND thành phố đã phê duyệt đầu tư 59,23 tỷ đồng cho các dự án củng cố, bảo vệ và nâng cấp các tuyến đê biển trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, thiết bị, hoàn thành các công trình  trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, kể cả dự án tu bổ đê điều thường xuyên và dự án củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển chỉ mới đạt khoảng gần 30% km đê, kè cần được hoàn thiện. 

Làm việc với Ban Phòng chống lụt bão thành phố, được biết: hệ thống đê, kè còn nhiều vị trí xung yếu. Đặc biệt, đối với các tuyến đê biển, nhiều đoạn đê chưa được khép kín. Đối với các tuyến đê sông, chất lượng cũng rất hạn chế. Trong trường hợp có lũ lớn có thể  xảy ra sự mất an toàn trên diện rộng.

Từ những đánh giá trên, Ban Phòng chống lụt bão Hải Phòng đã kiến nghị những biện pháp tăng cường khả năng phòng chống lụt bão của hệ thống đê, kè thành phố. Trong đó, phải đầu tư tu bổ khẩn cấp các hạng mục đê, kè xung yếu trước mùa mưa bão 2007; lập và tổ chức các phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè và phương án hộ đê toàn tuyến; đồng thời phải xử lý có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp lệnh đê điều...

Mạnh Hừng
.
.
.