Hà Nội với bài toán“khủng hoảng” quá tải rác thải ngoại thành

Chủ Nhật, 22/09/2013, 00:16
Quá tải rác thải, không kịp xử lý đã khiến trên địa bàn TP hiện nay còn trên 300 điểm tồn đọng rác thải tại ngoại thành, ước tính 65.000 tấn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, các dự án xử lý chất thải vẫn “ì ạch” khiến lượng rác thải tồn đọng có nguy cơ “chồng chất” nhiều hơn. Thậm chí, một số khu vực sẽ rơi vào cảnh “khủng hoảng” vì rác.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, Sở này đang quản lý 6 đơn vị duy trì vệ sinh môi trường. Đứng đầu là Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị có tổng số phương tiện thu gom và vận chuyển chất thải sinh hoạt lớn nhất.

Với 6 đơn vị trên, chỉ đủ vận chuyển rác phát sinh hàng ngày trong khu vực nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, tại các địa bàn nông thôn, tỷ lệ rác được tập trung, thu gom xử lý theo đúng tiêu chuẩn còn chậm, chủ yếu chôn lấp tới 80% gây ô nhiễm môi trường vì hầu hết các điểm lấp rác này đều nằm tại các khu vực có dân cư sinh sống.

Nhiều huyện như Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ… mới chỉ thực hiện thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở thị trấn và một số xã lân cận, những xã xa không thu gom mà tự xử lý tại chỗ bằng hình thức… chôn lấp. Việc xử lý theo đúng tiêu chuẩn như làm phân compost chiếm dưới 7%, tỷ lệ tái chế cũng chỉ ở mức 10% và chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Với thực trạng của Hà Nội, tương lai 10-15 năm tới, chưa thể chấm dứt tình trạng chôn lấp rác thải.

Hiện nay, tại 18 huyện ngoại thành vẫn còn khoảng 304 điểm tồn đọng với tổng lượng rác thải lưu cữu ước 65.000 tấn. Những điểm chôn lấp rác luôn vấp phải phản ứng của người dân sống xung quanh vì ô nhiễm. “Việc lập những điểm chôn rác mới cũng rất khó khăn vì người dân ở những khu vực được lập quy hoạch làm điểm chôn lấp đều chưa đồng thuận.

Hiện nay, Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) giai đoạn I mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 4.200 tấn chất thải sinh hoạt của 19 quận, huyện. Nhưng dự kiến đến hết quý II-2014, các ô chôn lấp ở khu này sẽ đầy. Trong khi đó, các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp để phát điện vẫn trong giai đoạn triển khai”, ông Dục cho biết.

Các điểm tập kết rác thải sinh hoạt không cố định, phải thay đổi thường xuyên; các điểm tập kết xe gom và xe chuyên dùng cũng mang tính tạm thời nên khó khăn trong công tác vệ sinh, ảnh hưởng tới mỹ quan của đường phố.. Ngoài ra, tuyến vận chuyển rác sinh hoạt từ các quận nội thành lên Khu xử lý chất thải Nam Sơn cách trung tâm thành phố 60km nên cần một thời gian vận chuyển khoảng 2,5 tiếng cho một chuyến vận chuyển gây tốn kém kinh phí...

Rác thải đang “bao vây” người dân ngoại thành Hà Nội.

Rác thải sẽ trở thành nguy cơ khủng hoảng nơi chôn lấp vào năm 2014 nếu hai khu xử lý chất thải tập trung, quy mô lớn tại Nam Sơn - Sóc Sơn và Xuân Sơn - Sơn Tây không được mở rộng đúng tiến độ.

Còn đối với dự án Khu xử lý chất thải Xuân Sơn - Sơn Tây, ông Dục nhận định, khó khăn hiện nay là chưa thể hiện rõ chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay, thủ tục đầu tư, chưa có tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho một số công nghệ xử lý rác bằng phương pháp công nghiệp; chưa có tiêu chí đánh giá năng lực nhà đầu tư cụ thể, sát thực tế, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; chưa có quy trình, định mức và phương pháp xây dựng đơn giá đặc thù cho công tác xử lý rác bằng phương pháp công nghiệp, nên không đủ điều kiện tính đúng, đủ giá xử lý rác. 

Ngoài ra, một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, chế biến rác, tại địa bàn các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mỹ Đức được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp, cũng mới trong quá trình thẩm định, hoàn thiện hồ sơ dự án; một số dự án mặc dù đã triển khai, nhưng cũng gặp khó khăn về vốn nên hầu hết chậm tiến độ.

Đặc biệt, dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn-Sóc Sơn là khối lượng thu gom rác thải công nghiệp do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thực hiện chỉ được 50% lượng rác thải phát sinh; trong khi đó, với các thiết bị hiện có, công ty này đảm bảo xử lý chất thải nguy hại và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp có phát sinh chất thải trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.

Một trong những dự án cấp bách của Hà Nội về xử lý rác thải là Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn-Sóc Sơn giai đoạn 2 được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu chôn lấp, xử lý chất thải rắn cho toàn thành phố trong giai đoạn 2012-2030, đặc biệt trong điều kiện khả năng tiếp nhận rác của khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn 1 đang quá tải.

Nhưng đến thời điểm này, trong tổng số diện tích 73,73ha, mới chỉ hoàn thành giải phóng mặt bằng được 36,26ha phía Nam. Phía Bắc, nhân dân không bàn giao mặt bằng do chưa giải quyết xong việc đền bù ảnh hưởng môi trường khi thực hiện dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn 1.

Đến nay, tiến độ triển khai xây dựng khu tái định cư và khu nghĩa trang phục vụ giải phóng mặt bằng dự án, hay việc giải quyết kiến nghị của nhân dân về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trạm y tế, trường học... cho vùng ảnh hưởng môi trường còn chậm, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, do đó còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Dự báo đến năm 2020, tổng số rác thải sinh hoạt cần được xử lý trên địa bàn thành phố hơn 7,3 nghìn tấn/ngày đêm, tương đương khoảng gần 2,7 triệu tấn/năm, việc cần có quy hoạch chiến lược xử lý rác thải, ngăn chặn phát thải ô nhiễm môi trường là rất cần thiết.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 13 khu xử lý chất thải rắn, 7 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải, 6 trạm trung chuyển chất thải rắn. Tổng mức đầu tư thực hiện được quy hoạch này ước trên 107.000 tỷ đồng. Số vốn khổng lồ này sẽ được huy động từ ngân sách Nhà nước, thu từ nhân dân, vốn vay ODA, vốn vay thương mại...

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, tiền không phải là nguyên nhân khiến các dự án xử lý rác bị chậm. Quan trọng nhất là phải có những biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, không biến những điểm xử lý rác hay chôn lấp rác thải thành ổ dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống xung quanh để có được sự đồng thuận. Như vậy, tiến độ các dự án trên mới được cải thiện

Ngọc Yến
.
.
.