Hà Nội vẫn ủng hộ việc đặt ga bên hồ Hoàn Kiếm
Lý do lãnh đạo UBND TP Hà Nội đưa ra là, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) là dự án quan trọng bậc nhất của Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong quy hoạch giao thông của Thủ đô sau mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã có vị trí hiện nay của ga C9.
Theo UBND TP Hà Nội, trong tương lai vùng Bờ Hồ sẽ dành riêng cho phố đi bộ và nhiều cơ quan, công sở đã được quy hoạch di dời, trong đó có Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Sau khi di dời sẽ dành không gian này phục vụ cho lợi ích công cộng. Ông Khôi nhấn mạnh, dự án được nghiên cứu rất công phu đến nay thời gian đã 6 năm, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia của 7 bộ, gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Ở cấp TP có rất nhiều cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và nhiều phường có tuyến đường sắt đi qua. Ngoài ra, trong quá trình triển khai đã tổ chức lấy ý kiến của đông đảo nhân dân bằng các hình thức như: Họp nhân dân, phát tờ rơi hai bên vùng dự án đi qua... Khi trình hồ sơ, UBND TP Hà Nội chấp thuận, dự án trên đều được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân vùng dự án đồng thuận cao.
Ga C9 có thể được coi là ga quan trọng bậc nhất, giúp kết nối một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, nhịp nhàng của tuyến đường sắt số 2 và một số tuyến đường sắt quan trọng khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Riêng vị trí ga C9 nằm giữa ga C8 và C10. Trong lúc ga C8 của tuyến đường sắt số 2 đặt tại vị trí vườn hoa Hàng Đậu sẽ kết nối với tuyến đường sắt số 1 chạy qua Long Biên, còn ga C10 đặt tại Hàng Bài kết nối với tuyền đường sắt ngầm số 3 đi tuyến Trần Hưng Đạo. Nếu bỏ ga C9 thì khoảng cách giữa 2 ga C8 và C10 khoảng 2.500mét, là quá lớn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, các nguyên tắc kỹ thuật buộc phải đặt ga C9 trên phố Đinh Tiên Hoàng. Tính toán cách nào cũng chỉ dịch chuyển vị trí được vài chục mét. Sau khi hoàn thành ga C9, sẽ cấm các loại xe cơ giới, xe buýt hoạt động trong khu vực hồ Gươm vì nơi đây tập trung đông người, dễ tắc đường và không có điểm đỗ xe. Để phục vụ nhân dân trong nước và quốc tế đến tham quan hồ Gươm, thì đi tàu điện ngầm sẽ là phương án thuận tiện, an toàn và văn minh nhất. Dự kiến dự án này đi vào vận hành trước năm 2020.
Vấn đề quan trọng nhất được dư luận quan tâm là việc đặt ga C9 cạnh hồ Gươm có phá vỡ cảnh quan, giá trị các công trình lịch sử hay không, UBND TP Hà Nội cho rằng, ga C9 không nằm nổi trên bề mặt như nhiều công trình khác đang xâm hại Bờ Hồ, mà đây là ga chìm hoàn toàn dưới lòng đất. Duy nhất sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi, hạng mục này sẽ có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp ánh điện lung linh. Còn các bộ phận như ống thoát khí, thông hơi, giàn lạnh, mặc dù đầu tư tốn kém, nhưng sẽ được dẫn đi ra ngoài khu vực Bờ Hồ, nằm trong khuôn viên các cơ quan lân cận. Không những thế, khi nhà ga hoàn thành còn có thể di chuyển các quầy hàng lưu niệm, nhà vệ sinh... đang án ngự, gây phản cảm không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm. |