Hà Nội triển khai nhiều biện pháp phòng dịch bệnh
Cụ thể, người dân ở khoảng 6 - 7 xã bị ngập úng nặng của huyện Thạch Thất (gồm các ổ dịch tiêu chảy cấp cũ, nơi úng ngập sâu, kéo dài) được uống vaccin tả. Mỗi người sẽ uống 2 liều, chia thành 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày. Sẽ có hơn 100.000 liều vaccin tả phục vụ người dân trong đợt này.
Khoảng 1.400 vaccin thương hàn sẽ được triển khai cho người dân ở hai huyện Chương Mỹ và Thanh Trì được tiêm miễn phí sau khi nước rút. Mỗi người dân ở vùng nguy cơ cao và trên 6 tuổi, sẽ được tiêm một mũi phòng thương hàn duy nhất. Đây là đợt triển khai tiêm vaccin thương hàn miễn phí có quy mô lớn nhất kể từ đầu năm 2002 đến nay.
Sở Y tế Hà Nội còn tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng dịch tiêu chảy cấp, dự trù đủ cơ số thuốc kháng sinh điều trị bệnh ngoài da như thuốc mỡ bôi ngoài da Ketoconazon, phèn phi, cồn i ốt... chuyển xuống các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để phân phát miễn phí đến người dân, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan.
TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccin thương hàn và tả vẫn được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng tại những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao, nơi có dịch lưu hành, điều kiện vệ sinh thấp kém. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vaccin tả là khoảng hơn 60%, vaccin thương hàn là 80 - 85%.
Do đó, ngoài tiêm vaccin, cần phối hợp với các biện pháp vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi mới phòng được dịch bệnh. Đặc biệt, dịch tiêu chảy cấp vẫn xuất hiện tản phát ở Hà Nội, cộng với nguồn nước ô nhiễm do úng ngập là nguy cơ rất lớn gây dịch bùng phát.
Để phòng dịch vào thời điểm này, điều quan trọng nhất là cần cung cấp đủ nước sạch cho người dân