Hà Nội tăng phí thu gom rác - cần phải tăng cả về chất lượng phục vụ

Thứ Hai, 17/02/2014, 12:27
Từ đầu năm 2014, mức phí rác thải sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thủ đô tăng gấp hai lần so với quy định cũ. Lý giải cho việc tăng thu này được đưa ra nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời để hướng tới việc xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

Sau khi quy định được ban hành có không ít ý kiến người dân tỏ rõ sự băn khoăn về sự tăng thu nói trên. Mặc dù mức thu tính trên đầu người không phải quá cao, tuy nhiên nếu tính chung cả hộ gia đình đông người cũng là một con số đáng kể. Đặc biệt là khi người dân chỉ nhận được thông tin về tăng gấp đôi mức thu nhưng lại không có những thông tin về sự đổi mới, về chất lượng dịch vụ. Nhiều ý kiến cho rằng: tăng mức thu cũng được nhưng việc thu gom rác phải kịp thời, đường phố, ngõ xóm phải được trang bị đầy đủ hệ thống thu gom rác thải. Tránh tình trạng rác thải đổ đống ven đường, thu gom chậm gây ô nhiễm…

Không thể phủ nhận những nỗ lực của đội ngũ làm công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 29 quận, huyện với 154 phường, hơn 420 xã, thị trấn với số lượng dân hơn 7,3 triệu người, đấy là chưa kể đến số lượng người tạm trú, khách du lịch… mỗi một ngày sản sinh ra lượng rác thải sinh hoạt rất lớn. Áp lực về việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt luôn là vấn đề nóng. Tuy nhiên trên thực tế thì việc giải quyết tình trạng rác thải tại nơi công cộng, trong khu dân cư vẫn còn nhiều bức xúc. Nạn xả rác thải bừa bãi việc tồn tại những bãi rác lộ thiên trong khu vực dân cư vẫn còn xảy ra khiến người dân kêu ca, phàn nàn. Nhiều chương trình, dự án thu gom rác thải được đưa ra nhưng chưa đạt hiệu quả nhất định.

Điển hình như mô hình thu gom rác thải 3R tại Hà Nội được xây dựng với kinh phí 8 triệu USD triển khai cách đây hơn 8 năm giờ đây cũng lâm vào tình trạng chết yểu. Có thùng rác thải để người dân phân loại và vứt rác nhưng đến đoạn thu gom thì lại thu chung vào một thùng, chuyển lên chung một xe như các loại rác thải. Thế nên số lượng rác thải đem về tái chế được hầu như rất ít.

Thành phố Hà Nội đã chọn là năm "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014". Những chương trình, kế hoạch hành động cũng đã được triển khai để thực hiện nội dung này. Một Thủ đô xanh, sạch, đẹp rõ ràng phải là một trong những tiêu chí quan trọng nhất phải thực hiện. Quy định về việc nâng mức thu phí rác thải sinh hoạt sau nhiều năm ban hành nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn cũng là điều hợp lý cần nhận được sự đồng thuận của người dân. Trong việc nỗ lực để xây dựng một thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp luôn cần có sự hưởng ứng, tham gia và chung tay góp sức của mỗi cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên điều người dân băn khoăn và cần được làm rõ đó là khi một quy định được ban hành cần phải có những lý giải hợp lý để tạo được sức thuyết phục.

Cụ thể với quy định tăng gấp đôi mức thu phí rác thải được áp dụng trên địa bàn toàn thành phố, mỗi năm ngân sách thu về một số tiền không hề nhỏ. Vậy người dân tham gia đóng góp phí đầy đủ cần được hưởng những quyền lợi gì? Thành phố cũng như các đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện việc thu gom rác thải sẽ có sự đầu tư về cơ sở vật chất, hệ thống thu gom rác, lực lượng nhân công như thế nào để đảm bảo việc thu gom rác thải được hiệu quả, giúp cho người dân tránh được tình trạng sống chung với rác thải và ô nhiễm?... Làm được như vậy thì quy định tăng mức thu phí sẽ nhận được sự đồng thuận và thuyết phục hơn đối với người dân cũng như tạo ra các cam kết cụ thể từ chính quyền, doanh nghiệp để cùng chung tay thực hiện

Hà Thành
.
.
.