Hà Nội quyết liệt giảm ùn tắc giao thông

Thứ Năm, 12/07/2012, 09:29
Trong ngày hôm nay, 12/7, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét Chương trình mục tiêu về giảm thiểu ùn tắc giao thông. Bên lề Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho biết: Chương trình mục tiêu lần này là quyết liệt, mà nếu TP làm quyết liệt, thì ùn tắc giao thông sẽ giảm.
>> Hà Nội đầu tư gần 2.000 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông

Ông Nguyễn Hoài Nam nói: Kỳ họp này, HĐND mới thông qua nhưng ngay từ đầu năm dự toán ngân sách đã phân bổ trước 50 tỷ phục vụ chương trình này. Tới đây, HĐND sẽ tiếp tục cân đối nguồn bổ sung cho chương trình mục tiêu này để thực hiện ngay trong năm nay. Rõ ràng chương trình mục tiêu này là hành động thật, chứ không phải trên giấy nữa. 

- TP HCM đã nghiên cứu biện pháp hạn chế xe ôtô vào trung tâm TP giờ cao điểm, đưa ra đề xuất ôtô đi giờ chẵn lẻ tại sao HN không nghiên cứu áp dụng? Có ý kiến cho rằng Hà Nội ngại đưa ra các giải pháp mạnh?

- Không phải thế, thật ra, TP Hà Nội có cái khó riêng. Các cơ quan Trung ương nằm trên địa bàn Hà Nội quá nhiều. Các cơ quan Bộ đều nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, tổng kết số lượng ôtô vào nội đô hiện nay, thì tỉ lệ ôtô công cao rất nhiều so với ôtô cá nhân. Nếu Hà Nội làm không cẩn thận thì sẽ gây khó dễ cho các cơ quan Trung ương trên địa bàn Hà Nội. Việc đặt vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân vào giờ cao điểm vào khu vực nội đô phải có đề án tổng thể, Hà Nội không thể làm vội được.

Ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh với người dân thành phố.

- Tại sao trong Chương trình không đề cập đến vấn đề sẽ thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân 3 năm tới?

- Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hiện đang được Bộ GTVT cũng như TP Hà Nội kết hợp làm đề án trình Chính phủ. Hà Nội đã từng làm và thất bại một lần rồi. Theo tôi muốn hạn chế xe cá nhân phải trên quy hoạch tổng thể gắn với lộ trình phát triển giao thông công cộng, tức là liên quan đến phương tiện xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm…

Việc hạn chế phương tiện cá nhân kể cả ôtô lẫn xe máy phải có lộ trình và công bố đến năm nào, ở đâu, chúng ta hạn chế để nhà sản xuất phương tiện, người dân có thời gian để chuẩn bị chứ không thể hôm nay chúng ta thông báo là sang năm chúng ta cấm ngay được. Việc hạn chế phương tiện cá nhân vừa liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân, nhưng đồng thời cũng liên quan đến vấn đề kinh tế nữa.

- Gần đây Hà Nội lại bùng phát nạn trông giữ xe lộn xộn, ông nghĩ sao?

- Trong chương trình mục tiêu lần này vẫn có một nội dung là yêu cầu chính quyền các quận, huyện rà soát lại, sắp xếp lại những điểm trông giữ xe. Nhưng quy hoạch này bị đụng chạm bởi quy hoạch đô thị cũ trước đây còn nhiều bất cập. Ví dụ, trước đây chúng ta phê duyệt xây dựng hàng loạt nhà chung cư nhưng không có bãi đỗ xe mặc dù trong thiết kế ban đầu là có.

Hay, nhiều đơn vị xây các trung tâm thương mại nhưng không xây bãi đỗ xe mà đẩy hết ra vỉa hè, ra đường. Chằng hạn ngay ngã tư Bà Triệu Hai Bà Trưng, có bãi đỗ xe cho trung tâm thương mại gần đó là không đúng. Về nguyên tắc, trung tâm thương mại phải có bãi đỗ xe bên trong.

- Di dời một số cơ sở như trường học, bệnh viện, nhà máy ra khỏi nội đô cũng là một biện pháp giảm ùn tắc giao thông. TP có quan tâm đến giải pháp này không?

- Hiện nay, TP đang xây dựng những quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, thậm chí điều chỉnh các đồ án quy hoạch đã được duyệt trước đây. TP cũng xem xét rất kỹ việc xây dựng các công trình gì trên các nhà máy, bệnh viện đã di dời. Nguyên tắc là không biến những địa điểm đã được di dời thành chung cư để dồn nén mật độ giao thông vào đó nữa

D.Linh (ghi)
.
.
.