Hà Nội bịt ngã tư: Vẫn là giải pháp tình thế
Điệp khúc "bịt" và "dỡ"
Sáng 9/11, ba nút giao thông được tháo dỡ hồi đầu tháng 6-2010 đã được Sở GTVT Hà Nội tiếp tục bịt trở lại là ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ, Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh và ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Hiệu quả của việc bịt ngã tư chưa nhìn thấy ở đâu mà chỉ biết rằng, ngay sau khi bịt các ngã tư sáng 9/11, giao thông tại các điểm này đã trở nên lộn xộn và xảy ra ùn tắc.
Tình trạng ùn tắc đã xảy ra tại ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ sau khi bịt trở lại là do ngã tư này là nơi tập trung các phương tiện từ Đê La Thành đi ra và từ Láng Hạ đi lên nhập vào nhau khiến cho mặt cắt đường không đủ. Chỉ sau khoảng 15 phút "thử" bịt, lực lượng Thanh tra GTVT đã phải nhanh chóng tháo dỡ một phần của dải phân cách và để một nửa phương tiện rẽ phải và một nửa phương tiện dừng ở đèn đỏ. Tình hình giao thông vì thế mới được giải tỏa trong những giờ tiếp theo.
Sau 2 ngày tổ chức "bịt" ngã tư, theo ghi nhận của PV Báo CAND, tình hình giao thông tại 3 ngã tư không còn xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt cứng vào các giờ cao điểm do các phương tiện tham gia giao thông được dàn đều và tiếp tục di chuyển thêm một đoạn đường mới quay đầu xe. Tuy nhiên, tại điểm quay đầu xe, khi có ôtô quay đầu lại trở thành nguyên nhân khiến cho giao thông nhanh chóng bị ứ đọng do điểm quay đầu nhỏ, đường lại hẹp, không thoáng như tại ngã tư đã bị "bịt".
Anh Đức Minh, số 87 đường Trần Hưng Đạo cho rằng: "Tôi thấy chỉ nên bịt những ngã tư mà có điểm quay đầu xe rộng hoặc điểm có đặt các đảo giao thông. Trường hợp cần thiết Sở GTVT có thể mở rộng đường tại những khu vực quay đầu xe, như thế sẽ hiệu quả hơn".
Nhiều ý kiến lại cho rằng, chỉ vì vài ba giờ "cao điểm" mỗi ngày mà lựa chọn biện pháp "bịt ngã tư" để buộc người dân phải chấp nhận đi vòng vào tất cả các giờ còn lại trong ngày... là lãng phí tổng hợp thời gian, nhiên liệu, hao mòn thiết bị của xã hội, ô nhiễm do khí thải, tiếng ồn… do tác động của giải pháp này. Đây đã thực sự là lựa chọn tốt hơn việc tăng cường lực lượng điều khiển giao thông vào giờ cao điểm hay chưa?
![]() |
Sau khi “bịt” trở lại, ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng không còn xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt cứng vào các giờ cao điểm. |
Giải pháp tình thế
Theo giải thích của ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thì việc bịt lại ngã tư lần này không có gì tốn kém, chỉ là sử dụng mũi tên - một loại công cụ trong việc giải quyết chống ùn tắc giao thông. Hơn nữa, nó còn giảm được lực lượng điều hành, hướng dẫn giao thông. Nếu các ngã tư này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông thì không những người tham gia giao thông còn bị tiêu tốn nhiên liệu, ô nhiễm môi trường mà còn bị thiệt hại về thời gian, muộn giờ làm. Vả lại, giải pháp lần này không có gì mới, vẫn là làm đảo giao thông để các phương tiện tự xoay, buộc các phương tiện rẽ phải để tránh các dòng phương tiện khác, chỉnh lại các chu kỳ đèn cho hợp lý, chia phần đường để các dòng phương tiện đi lại một cách hiệu quả nhất… Tại mỗi nút giao thông sẽ có điều chỉnh khác nhau, trong quá trình thực hiện sẽ ghi nhận thực trạng của phương tiện để tìm giải pháp khắc phục.
Ông Sỹ khẳng định: "Qua 2 ngày thực hiện, theo ghi nhận của chúng tôi, trật tự giao thông ở ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng tốt hơn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Còn ở các ngã tư cho phép rẽ phải, qua khảo sát vẫn có tác dụng và hiệu quả, nhưng hiệu quả như thế nào còn tuỳ vào tình hình cụ thể. Đây là giải pháp mang tính tạm thời, không phải là giải pháp vĩnh viễn và đạt hiệu quả như mong muốn là giải quyết triệt để được việc ùn tắc giao thông ở Hà Nội".
Chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội là việc làm lâu dài và thường xuyên của nhiều lực lượng chức năng. Nên chăng, trong quá thực hiện, ngành GTVT cần nghiên cứu tình hình thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp với mật độ phương tiện của từng tuyến đường, đặc biệt là các đường vành đai, trục hướng tâm, tuyến đường có mật độ lưu lượng lớn giao cắt với tuyến đường có mật độ phương tiện nhỏ hơn nhiều lần… để tránh gây lãng phí tổng hợp cho người dân.