Hà Nội: Sắp xếp lại luồng, tuyến xe khách
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 5 bến xe khách và 1 trạm đón trả khách, gồm Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Lương Yên, Nước Ngầm và trạm Thanh Xuân có thể đáp ứng hàng triệu lượt khách thông qua bến mỗi ngày. Tuy nhiên, việc ùn tắc giao thông trước các bến xe cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông thành phố.
Để giải quyết tình trạng trên, vừa qua Sở GTCC Hà Nội đã ban hành thông báo điều chuyển các xe đi Nghệ An, Hà Tĩnh về bến xe Nước Ngầm, trên đường Giải Phóng, cách bến xe phía Nam 2km.
Tổng số xe thuộc diện di dời là gần 200 xe. Vậy, việc điều chỉnh này có gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như sự đi lại của hành khách?
Ông Trần Danh Lợi - Phó Giám đốc Sở GTCC Hà Nội cho biết, trong 5 bến xe trên địa bàn Hà Nội thì chỉ có bến xe Giáp Bát và Gia Lâm hay rơi vào tình trạng quá tải.
Nguyên nhân là do các bến này đã hoạt động được nhiều năm, vì vậy số tuyến, lượt xe cao hơn những bến khác và cao hơn so với thiết kế. Một yếu tố nữa là do thiết kế của các bến xe này trước đây còn nhiều điểm bất hợp lý, vì vậy hay xảy ra hiện tượng quá tải cục bộ.
Vừa để giải quyết nạn quá tải ở các bến xe, vừa giúp người dân thuận lợi trong đi lại, cũng là để giao thông Hà Nội tránh được ùn tắc, Sở GTCC Hà Nội đã có định hướng quy hoạch các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, những tuyến phía Đông - Bắc, Đông -
Trước mắt, trong quý I và II, sẽ đưa toàn bộ các phương tiện hoạt động trên các tuyến từ Giáp Bát đi các bến xe của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về bến xe Nước Ngầm để thực hiện giảm tải cho bến xe Giáp Bát. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế của các bến xe để tiếp tục điều chỉnh theo định hướng quy hoạch các bến xe.
Thông tin từ Sở GTCC Hà Nội, bến xe Giáp Bát có diện tích khoảng 36.000m2, trong đó diện tích dành cho sân bến đón trả khách liên tỉnh khoảng 15.000m2.
Với diện tích như vậy, bến xe Giáp Bát chỉ tiếp nhận tối đa 900 lượt xe/ngày. Tuy nhiên, hiện nay bình quân khoảng 1.300 lượt/xe ngày, lượt khách bình quân khoảng 18.000-20.000 lượt khách/ngày với 110 tuyến vận tải nên bến xe Giáp Bát đã thường xuyên quá tải, ùn tắc trong sân bến và ở khu vực cửa bến.
Còn tại bến Gia Lâm, tình hình quá tải chưa tới mức nghiêm trọng, nhưng công tác tổ chức điều hành chưa khoa học, dẫn đến ùn tắc tại các cửa bến xe.
Trước chủ trương này, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như sự đi lại của hành khách. Theo Chủ nhiệm HTX vận tải ôtô số 1 Nghệ An thì quyết định của Sở GTCC Hà Nội mang tính áp đặt đối với các đơn vị vận tải, vì không phải các xe tuyến Nghệ An gây ùn tắc giao thông, mất trật tự tại bến xe phía Nam, mà tình trạng lộn xộn này chính do lãnh đạo bến xe điều hành chưa tốt.
Cũng có ý kiến khác cho rằng, nếu chuyển tới bến mới cách xa bến cũ thì không tiện lợi cho hành khách. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải Nghệ An cũng đã có đơn kiến nghị gửi tới Cục Đường bộ, UBND TP Hà Nội, Sở GTCC Hà Nội phản đối quyết định của Sở GTCC khi điều chuyển các xe Nghệ An ra khỏi bến xe phía Nam.
Theo ông Trần Danh Lợi, việc điều chuyển bến là công việc bình thường của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định, nhằm mục tiêu chính là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, sắp xếp lại trật tự vận tải.
Sở GTCC Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng những kế hoạch chi tiết như chuẩn bị về hạ tầng, tổ chức giao thông, thống nhất biểu đồ xe chạy cho từng tuyến trên tinh thần đảm bảo không làm xáo trộn và tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp vận tải.
Tuy nhiên, trước những khúc mắc của các doanh nghiệp vận tải, Sở GTCC đã ra văn bản tạm lùi điều chuyển hơn 100 xe đi Nghệ An tới ngày 5/6, chỉ tiến hành dời hơn 20 xe đi Hà Tĩnh sang bến Nước Ngầm. Lý do của việc tạm lùi là để đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi chuyển các xe tuyến Hà Tĩnh, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải, bến xe có thời gian chuẩn bị kỹ hơn...