Hà Nội: Người dân sẽ yên tâm hơn khi đi xe buýt

Thứ Bảy, 22/10/2011, 12:10
Ngày 21/10, ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết: "Gần đây, tại nhiều điểm trên tổng số 160 điểm đỗ xe buýt và 2 trạm trung chuyển trên địa bàn nội thành Hà Nội, nạn móc túi, ăn cắp tài sản của khách đi xe buýt diễn ra rất phức tạp, gây mất an ninh trật tự, khiến người dân bức xúc. Phối hợp với lực lượng Công an, ngành Giao thông vận tải đang ráo riết lập lại trật tự, đảm bảo an toàn cho hành khách".

Ông Nguyễn Trọng Thông cho biết thêm: "Mặc dù trong vấn đề ngăn chặn nạn móc túi trên xe buýt, tại các trạm trung chuyển còn nhiều khó khăn, nhưng không phải khó mà chúng tôi không làm. Chúng tôi đã lập tổ công tác số 4 chuyên theo dõi vấn đề an ninh trật tự trên các tuyến xe buýt, đồng thời phối hợp với lực lượng Công an tuần tra kiểm soát trên các tuyến nóng, tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến các phương thức thủ đoạn gây án của đối tượng trộm cắp, móc túi hay hoạt động trên xe và cách xử trí tình huống khi phát hiện vi phạm; cách phối hợp bắt giữ đến từng nhân viên bán vé, lái, phụ xe để họ chủ động hơn trong vấn đề đối phó".

Người dân sẽ yên tâm hơn khi đi xe buýt. Ảnh: Huyền Sim.

Cùng đó, để hành khách chủ động phản ánh vi phạm, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị, xí nghiệp buýt dán số điện thoại đường dây nóng trên thành xe. Tại một số điểm trung chuyển, Trung tâm Điều hành giao thông đô thị cũng đã lắp camera theo dõi”.

Mỗi ngày hệ thống xe buýt của Tổng công ty chạy hơn 1 vạn lượt xe, phục vụ vận chuyển khoảng 1 triệu lượt khách. Vào những giờ cao điểm, lượng người lưu thông trên phương tiện này thường tăng đột biến, mỗi lần xe buýt dừng, đỗ, hành khách thường hay chen lấn nên lợi dụng lúc đó, các đối tượng trộm cắp dễ bề hoạt động. Vì vậy, trong những lúc thế này, để bảo đảm an toàn cho mình cũng như người xung quanh, hành khách nên chủ động bảo vệ tài sản của mình bằng cách không chen lấn xô đẩy nhau khi lên xuống xe buýt.

Hành khách lên xuống từ tốn, theo thứ tự, có như vậy, các đối tượng xấu cũng khó có cơ hội hoạt động. Trên xe buýt, nếu người dân phát hiện kẻ gian vẫn còn trên xe, yêu cầu lái xe đóng cửa rồi dừng xe để tìm hiểu rõ, hoặc báo cho Công an phường nơi gần nhất đến xử lý.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an Hà Nội: "Quyết tâm trấn áp tội phạm móc túi, góp phần thu hút người dân sử dụng xe buýt"

Liên quan đến vấn nạn trộm cắp, móc túi tại các điểm, tuyến xe buýt mà báo chí và dư luận đã phản ánh, sáng 21/10, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết: "Công an Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với phía vận tải hành khách công cộng xe buýt để đấu tranh, phòng ngừa triệt để các đối tượng trộm cắp, móc túi. Quan điểm của Công an Hà Nội là sẽ quyết tâm ra quân trấn áp loại tội phạm này để góp phần thu hút người dân sử dụng xe buýt nhằm làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về việc khuyến khích người dân sử dụng xe buýt để đi lại trên địa bàn thành phố; ủng hộ việc cần nâng cao chất lượng xe buýt, thái độ phục vụ để xe buýt thực sự là phương tiện giao thông công cộng văn minh như các nước đã và đang làm.

Huyền Linh
.
.
.