Hà Nội: Chưa dẹp được nạn quảng cáo rao vặt trái phép
Nhằm khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu tháng 1/2014, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, với mục tiêu tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô. Thực hiện Chỉ thị này, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã nhiều lần triển khai kế hoạch, mở các đợt ra quân xử lý các trường hợp QCRV trái phép trên địa bàn thành phố. Trong đó có biện pháp gửi công văn đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn “trảm” các số điện thoại QCRV trái phép. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có hơn 800 thuê bao điện thoại bị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội yêu cầu các nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ. Và mới đây, đơn vị này cũng đã có công văn gửi các doanh nghiệp viễn thông đề nghị tạm thời cắt dịch vụ của hơn 50 số điện thoại vì liên quan đến QCRV sai quy định. Những nội dung QCRV dạng này chủ yếu xoay quanh việc: rao bán sim số điện thoại, mời khoan cắt bê tông, thông tắc bể phốt v.v..
Xử lý nghiêm các trường hợp QCRV trái phép để tạo sức răn đe. |
Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều đầu số điện thoại liên quan đến QCRV trái phép bị “trảm”, song dường như chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, loại hình QCRV trái phép này càng trở nên biến tướng với nhiều cách thức thể hiện. Chỉ cần dạo quanh một lượt các con ngõ nằm trên đường Thụy Khuê, Lạc Long Quân, Đội Cấn, Xuân Đỉnh v.v… không khó để thấy các loại biển, bảng, pa nô khổ nhỏ (khoảng 20x30cm) được gắn tràn lan trên các cột điện, đường dây cáp, gốc cây. Càng tiến sâu vào trong các con ngõ, hẻm, tình trạng quảng cáo kiểu này lại càng trở nên “nhức mắt”, phản cảm.
Liên quan đến vấn đề trên, theo Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng đã quy định rõ, sẽ phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng… Bên cạnh đó, cũng sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, trừ trường hợp được pháp luật quy định. Đáng chú ý cũng theo Nghị định này, hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ những trường hợp được pháp luật quy định… còn bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng v.v…
Rõ ràng, trước thực trạng biến tướng các loại hình QCRV trái phép như hiện nay, dường như việc xử lý thông qua hình thức ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại thôi chưa đủ, nên chăng các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa với các vi phạm, đồng thời quy trách nhiệm thật cụ thể cho chính quyền địa phương - nơi để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài, gây bức xúc dư luận