Giọt nước mắt trên cánh thư “Gửi lời xin lỗi”

Thứ Ba, 18/03/2014, 12:28
Những giọt nước mắt cắn rứt của phạm nhân lẫn giọt nước mắt vị tha của người bị hại tuôn rơi khi dòng thư hối lỗi vang lên. Phạm nhân Trần Anh Huy, người đã gây ra vụ xe điên gây tai nạn liên hoàn tháng 10/2011 tại TP Hồ Chí Minh, nghẹn ngào đọc bức thư cho nạn nhân nghe.

Và bà mẹ già ở Hà Nội dù bước đi phải có người dìu cũng lặn lội vào Bình Thuận để khóc nấc trên vai thằng con “trời đánh” Trần Hoàng Sơn. Gần 50 tuổi, hơn 15 năm không chấp hành cải tạo thằng con ấy mới biết viết thư xin lỗi giám thị.

Phát động từ tháng 7/2013 đến ngày 1/2/2014, Trại giam Thủ Đức (Hàm Tân, Bình Thuận) đã nhận được hơn 7.000 bức thư của phạm nhân tham gia hoạt động viết thư “Gửi lời xin lỗi”, chiếm tỉ lệ 89,2% trên tổng số phạm nhân toàn trại. Các thư gửi đến có địa chỉ rõ ràng, hầu hết gửi đến thân nhân, thư gửi cộng đồng và đặc biệt là gửi đến người bị hại và thân nhân người bị hại. Nhận được những kết quả đáng khích lệ, vừa qua, Trại giam Thủ Đức đã tổ chức Hội nghị sơ kết việc tổ chức cho phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” – Khát khao hướng thiện nơi phạm nhân.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà là người bị thương tật nặng nhất trong vụ ôtô điên đâm liên hoàn. Chị bị gãy xương đùi trái, gãy chín xương sườn, phổi bị ảnh hưởng… Phạm nhân Trần Anh Huy tâm sự: “Tôi cũng không ngờ được gặp lại chị Hà nơi đây. Bản thân tôi trước đây là một bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, hằng ngày chữa bệnh cứu người. Mỗi lần cứu sống được một sinh linh, tôi hạnh phúc không thể tả. Vậy mà chỉ vì một sơ suất, tôi lại gây ra vụ tai nạn khủng khiếp, gây thương vong cho 10 người. Tội lỗi đó mãi ám ảnh, cắn xé lấy tôi hằng đêm”. Viết được những dòng thư này, với người khoác áo tù, đó không phải là một điều dễ dàng.

Phạm nhân Trần Anh Huy giao lưu với giám thị và người bị hại.

Phạm nhân Bành Thế Hưng viết: “Khi cầm bút viết thư tôi cứ đắn đo, suy nghĩ mãi, sợ vô tình khơi gợi lại nỗi đau đáng lẽ đã chìm trong quá khứ”. Còn phạm nhân Nguyễn Duy Tiến thì chia sẻ: “Tôi viết thư trong tâm trạng khó tả lắm, rất hồi hộp, căng thẳng, ngượng ngập và bồn chồn, có lẽ tâm trạng của kẻ mang tội nó vậy hay sao ấy… Tôi không mường tượng phản ứng của người nhận thư sẽ ra sao nhưng có cái gì đó nó thôi thúc ở trong lòng khiến tôi cố gắng gạt bỏ mọi mặc cảm tội lỗi để mạnh dạn viết lá thư này”.

Phạm nhân Phạm Văn Minh thì ý thức được rằng: “Phải chăng giờ đây có nói trăm ngàn lần lời xin lỗi cũng không bù đắp hay thay đổi được việc mình gây ra và giờ đây bản thân đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật”. Nhưng hơn hết, qua những dòng thư này,  họ mong: “Chân thành gửi lời xin lỗi đến thân nhân, đến người bị hại, dẫu đã muộn màng nhưng đây cũng là lời xin lỗi toàn tâm toàn ý mà bấy lâu nay tôi muốn nói: Tôi xin lỗi!” như thư phạm nhân Vi Văn Dũng gửi nạn nhân Phạm Trường An.

Các bức thư “Gửi lời xin lỗi” gửi cho thân nhân, gia đình đa số đều được hồi âm. Song số thư gửi cho người bị hại, thân nhân người bị hại hiện Trại chỉ nhận được 4 thư hồi âm. Tuy không viết dài nhưng với truyền thống nhân đạo của dân tộc ta: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, các thư hồi âm đã chuyển tải được thông điệp tha thứ lỗi lầm, động viên phạm nhân cải tạo trở thành người có ích. “Nếu không mắc lỗi lầm thì chúng ta không phải là người mà là thánh rồi. Quan trọng là phạm lỗi nhưng có nhận ra và sửa chữa lỗi hay không? Tôi mong cháu đã xin lỗi thì cố gắng cải tạo tốt để không phải nói xin lỗi thêm một lần nào nữa” - lời của nạn nhân Nguyễn Văn Hỏa gửi gắm cho phạm nhân Nguyễn Hữu Chỉnh.

Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết: “Việc tổ chức viết thư “Gửi lời xin lỗi” là hình thức giáo dục mang đậm tính nhân văn, giúp phạm nhân ý thức được sai lầm của mình, vơi đi cảm giác tội lỗi, yên tâm cải tạo; giúp người bị hại và xã hội có cái nhìn bao dung, nhân ái hơn với người phạm tội. Đọc hàng nghìn bức thư của phạm nhân, tôi rất xúc động vì tình cảm chân thành của họ dù lời văn chưa thật sự trau chuốt, câu cú còn lủng củng. Tuy nhiên, do mới triển khai lần đầu nên chất lượng thư chưa đồng đều, nhiều thư có nội dung giống nhau theo kiểu tham gia phong trào. Những năm tới, trại sẽ rút kinh nghiệm khi tiếp tục tổ chức”.

Cũng tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII đã trao bằng khen cho 27 cán bộ, chiến sĩ và tập thể có thành tích xuất sắc. Đồng thời, 10 phạm nhân có lá thư hay, cảm động cũng được biểu dương, khen thưởng

Q.N.
.
.
.