Gìn giữ di sản văn hóa dân tộc: Chỉ tình yêu thôi là chưa đủ

Thứ Hai, 28/10/2013, 15:03
Việc ngôi nhà Mường cổ cuối cùng ở Bảo tàng “Không gian Văn hóa Mường” (Hòa Bình) bị du khách làm cháy rụi tối 24/10, đã thêm một lần cảnh báo về cách ứng xử với di sản. Ngọn lửa thiêu rụi di sản, nhưng đã để lại trong đống tro tàn thêm một bài học về công tác bảo vệ di sản cần được quan tâm, thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đầu tháng 8/2013, ngôi đền Hai Bà Trưng thuộc xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Hà Nội cũng bị bốc cháy. Nhiều đồn đoán xung quanh việc cháy này, là vì kẻ trộm tìm đồng đen, vì bức xúc trong giải tỏa, đền bù đất đai hay “vui tay”… nhưng có một nguyên nhân không thể không nói đến là công tác bảo vệ.

Ngôi đền được xây dựng lại được vài năm, khá khang trang bằng tiền của chính quyền huyện Mê Linh và nhân dân đóng góp. Trong ngôi đền có tượng Hai Bà bằng đồng do một số người cung tiến, cùng đôi tượng Hai Bà bằng gỗ mít, mô phỏng hình tượng hai nữ tướng Hai Bà Trưng oai phong lẫm liệt, được kể lại là có nghìn năm tuổi, chưa kể còn nhiều vật dụng khác như đôi lộc bình bằng sứ, chiêng, trống, áo mũ lễ hội… Lưu giữ những vật có giá trị như thế, nhưng ngôi đền lại nằm giữa một khu vực vắng vẻ, mà lại không được bảo vệ cẩn thận, chỉ vì không có kinh phí thuê người trông coi, mà mỗi năm, chỉ có vài ngày lễ mới có người dân và chính quyền tổ chức đến dâng hương, lau dọn đền. Vì thế, ngôi đền cháy suốt đêm, đến sáng ra, mọi người mới được biết. Rõ ràng, rất trân trọng di sản, nhưng chỉ yêu thôi, quả là chưa đủ.

Nhà Lang bị cháy vì sự thiếu ý thức của du khách.

Tháng 5/2010, ngôi nhà rông lớn nhất tỉnh Kon Tum vốn là ngôi nhà cộng đồng, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nằm ở thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum (Kon Tum) cũng bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhà rông Kon Klor được xây dựng và hoàn thành với kinh phí lên tới 1 tỷ đồng, được tỉnh Kon Tum công nhận là nhà rông văn hóa cấp tỉnh và được xây chủ yếu bằng cỏ tranh, tre, gỗ, lồ ô… là những vật liệu rất dễ cháy. Thế nhưng, công tác bảo vệ rất lỏng lẻo, dẫn đến một nhóm học sinh vào uống rượu rồi gây cháy và vụ cháy xảy ra vào buổi chiều, mà chỉ sau 1 tiếng, ngôi nhà tiền tỷ đã không còn gì ngoài tro bụi.

Năm 2008, nhà rông văn hóa thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam ở Kon Tum có diện tích sàn nhà 250m2, cao gần 50m, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào cũng bị bốc cháy không rõ nguyên nhân. Nhờ lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nên đã cứu được hệ thống cột là loại gỗ quý. Nhiều năm trước, ngôi nhà rông ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) được xây dựng để gìn giữ nét văn hóa dân tộc Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội, giúp du khách đến đây có dịp tìm hiểu thêm về một vùng đất của Việt Nam qua hình ảnh biểu trưng này. Thế nhưng, trong một đêm, ngôi nhà đã bị cháy rụi sau khi có một nhóm nghiện hút vào… sử dụng ma túy.

Ở Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” cũng vậy. Là một công trình nghệ thuật tái hiện toàn bộ không gian sống của người Mường, với 4 khu nhà sàn đại diện cho các tầng lớp trong xã hội Mường, được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ, bằng nguyên liệu là gỗ, tre, nứa, lá… Bảo tàng trưng bày và lưu giữ quý giá về dân tộc Mường, cho du khách những trải nghiệm thú vị của cuộc sống sinh hoạt của người dân Mường, để tìm hiểu, nghiên cứu về một dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời trong cộng đồng văn hóa Việt.

Với sự đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam bằng khu bảo tàng sống giữa cộng đồng, với lối đi riêng biệt, độc đáo, đầu năm 2013, họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc bảo tàng, đã trở thành tác giả trẻ nhất được nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh “Vì Sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục”. Nói về những giá trị của bảo tàng này để thấy rằng, có một di sản văn hóa độc đáo và quí như thế, nhưng việc bảo vệ, gìn giữ còn rất nhiều vấn đề. Các ngôi nhà Mường đều làm bằng tranh, tre, nứa, lá, lại đang mùa hanh khô, nhưng ở đây, lại thường để cho du khách nấu nướng trong chính ngôi nhà Lang, nơi trưng bày nhiều bộ sưu tập quí hiếm, điều mà lẽ  rakhông bao giờ được có. Hơn nữa, với việc ngôi nhà bị cháy quá nhanh, các nhân viên “trở tay” không kịp, cũng cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy ở đây dường như chưa có gì.

Từ thực tế này có thể thấy, nhiều di sản văn hóa vật thể còn lưu lại hoặc được trùng tu, hầu hết đều làm bằng nguyên liệu dễ cháy, nhưng công tác bảo vệ đã không được coi trọng đúng mức. Vì thế, ai cũng có thể tiếp cận một cách dễ dàng, mà không được khuyến cáo về việc cháy nổ. Đặc biệt, ở các điểm này, việc phòng cháy chữa cháy gần như không có, nên các nhân viên không được tập huấn về cách cứu cháy, mà ở các khu vực này cũng không có đủ nước cùng các thiết bị xử trí cần thiết khi xảy ra sự cố.

Thiết nghĩ, để gìn giữ và bảo vệ di sản, rất cần thái độ ứng xử đúng với di sản, là ý thức cao của du khách tham quan, nhưng trước hết, phải từ sự ý thức của chính những người đang quản lý di sản. Bởi, gìn giữ các di sản đòi hỏi tình yêu, niềm đam mê, nhưng thế là chưa đủ nếu không biết cách bảo vệ di sản bằng cả trách nhiệm

Thanh Hằng
.
.
.