"Giải mã" bộ xương động vật cổ khổng lồ vừa phát hiện

Thứ Năm, 28/06/2012, 15:03
Với bộ xương vừa mới phát hiện tại Cà Mau, theo Tiến sĩ Vũ Thế Long - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, với những gì quan sát được cho thấy, bộ xương nói trên không phải là xương cá voi, mà đơn giản chỉ là xương của loài trâu.

Báo CAND phản ánh về gia đình ông Dương Xuân Thủy (ngụ K.7, P.7, TP Cà Mau) trong lúc đưa cơ giới vào cải tạo vuông tôm đã phát hiện bộ xương lạ. Người dân hiếu kỳ đến xem đều có cùng nhận định, đó không phải là xương người mà là xương động vật, nhưng không biết là xương con gì. Hay tin, không ít người đã kéo đến nhà ông Thủy xem. Có người còn cho rằng đó là xương của linh vật, thiêng lắm nên đã đốt nhang khấn vái, xin số cầu may, nặng màu sắc mê tín.

Theo thói quen tín ngưỡng của dân gian địa phương, ngay sau khi phát hiện, gia đình ông Thủy đã gom số xương lại rồi… lập miếu thờ cúng. Lo ngại những lời đồn thổi mê tín dị đoan, dễ dẫn đến mất ANTT, chính quyền địa phương đã giải thích cho người dân rằng đây chỉ là… bộ xương của cá voi (!).

Thực ra ở miền Tây Nam Bộ, trong lúc đào vuông, đào kênh, mương, thậm chí trong lúc đi bắt tôm cá dưới sông, thỉnh thoảng nơi này, nơi nọ người dân vẫn phát hiện những bộ xương lạ của động vật đã bị vùi lấp từ nhiều năm trước.

Trước khi gia đình ông Thủy phát hiện bộ xương như đã kể trên, tại ấp Tân Quảng Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) trong khi cải tạo ao nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Chính cũng phát hiện một bộ xương khổng lồ tương tự. Các bộ phận của bộ xương vẫn còn nguyên vẹn sau bao nhiêu năm được chôn sâu dưới lòng đất. Ông cũng đem vào thờ và người dân lại cũng kéo đến, thêu dệt bao chuyện ly kỳ…

Bộ xương cá sấu thứ hai được người dân phát hiện trong khi đào đất xây nhà tại Cần Thơ.

Ông Trần Văn Út là dân làm nghề chài lưới (nhà ở khu vàm Đầu Sấu, phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) kể, ông trục vớt được mảnh xương hàm trên phần đầu cá sấu khổng lồ trong lúc đi mò cá gần bờ. Ông lấy thước đo mảnh xương có chiều dài nhất tính từ chóp mũi đến khớp cổ gần 0,9m, chiều ngang đo được nơi rộng nhất là 0,4m. Hai bên hàm mỗi bên có 18 lỗ chân răng, lỗ sâu nhất dài khoảng 1 tấc…

Người dân có tuổi ở vàm Đầu Sấu phỏng đoán rằng với bộ khung như thế, chắc chắn con cá sấu trước khi chết nặng không dưới 400kg. Việc người dân tình cờ vớt được xương cá sấu khổng lồ cạnh địa danh mang tên Đầu Sấu có liên quan gì với nhau không hiện đã được các nhà khảo cổ học tìm hiểu. Chủ nhân của mảnh xương trên cho biết đã có người hỏi mua về trưng bày nhưng anh nhất quyết không bán.

Chẳng bao lâu sau đó, cụ thể là ngày 22/11/2010, ông Lê Văn Hai (ngụ ấp Trường Khương, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ)  trong lúc đào lỗ cột xây nhà, gia đình ông phát hiện một mảnh xương hàm trên và một phần hàm dưới đầu cá sấu khổng lồ, nằm sâu cách mặt đất khoảng 1,5m.

Tiến sĩ Vũ Thế Long khẳng định những mảnh xương này do ông Thủy (Cà Mau) vừa phát hiện là xương trâu rừng.

Cũng ở huyện Phong Điền, nông dân Trương Văn Niểng (Ba Niểng), cư trú tại ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền trong lúc đào đất vườn cũng từng phát hiện 8 mảnh xương lạ, với tổng cân nặng 4kg, trong đó có 2 hàm răng, khúc xương ống chi dưới dài 4 tấc, phần còn lại là xương sống, xương sườn và xương hàm. Ông Ba Niểng lấy lửa đốt thử bộ răng của thú không cháy. Thấy lạ quá, ông Ba Niểng đã nhặt mấy khúc xương nhỏ làm thành  vòng đeo cho cháu nội…

Bảo tàng Cần Thơ cũng đã cử cán bộ đến tìm hiểu, lập tờ trình đề nghị khảo nghiệm để có cơ sở bảo quản cụ thể. Có ý kiến nhận định đây có thể là xương voi, có niên đại cách nay 300 năm. Ý kiến này dựa trên cơ sở cách nay chưa lâu, từng có đoàn khảo cổ học phát hiện tại khu vực xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền nhiều viên đá có niên đại thời kỳ Óc Eo.

Trở lại với bộ xương vừa mới phát hiện tại Cà Mau, theo Tiến sĩ Vũ Thế Long - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, với những gì quan sát được cho thấy, bộ xương nói trên không phải là xương cá voi, mà đơn giản chỉ là xương của loài trâu.

Theo như hình ảnh mà ông Long thấy được, đó là xương hàm dưới bên phải, một khúc xương ống chân, một số đốt xương sống và xương chi của con trâu. Ông Long cho biết, những hiện vật tìm thấy trong quá trình tiến hành khai quật từ trước đến nay đã chứng minh rằng, trong vùng ĐBSCL xưa kia đã từng tồn tại khá nhiều đàn trâu rừng sống hoang dã. Căn cứ vào kích thước khá lớn của bộ xương vừa được phát hiện có thể xác định đây là xương của loài trâu rừng này, có tên khoa học là Bubalus bubalis.

Tiến sỹ Vũ Thế Long cho biết thêm trâu là con vật khá phổ biến ở vùng ĐBSCL từ xưa đến nay. Đặc điểm của xương trâu, bò rất dễ nhận ra, chỉ cần chú ý vào xương hàm răng và xương ống chân của con vật. Nhiều lần tham gia khai quật ở các di chỉ khảo cổ từ trước đến nay, ông Long từng gặp rất nhiều những bộ xương trâu tương tự. Nếu muốn biết chính xác niên đại của những bộ xương nói trên, chỉ cần lấy mẫu rồi mang đi giám định sẽ biết kết quả

Binh Huyền
.
.
.