Gia tăng tai nạn lao động do điện giật

Thứ Ba, 15/03/2005, 07:54
"Tai nạn lao động (TNLĐ) do điện giật chiếm tỷ lệ cao, đứng thứ 2 sau tai nạn giao thông, tổng số người chết do điện giật chiếm tỷ lệ từ 15,3% đến 19% trong tổng số người chết vì TNLĐ mỗi năm và có xu hướng gia tăng”.

Ông Đỗ Minh Nghĩa - Trưởng Ban Bảo hộ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm: “TNLĐ do điện đang là vấn đề bức xúc và sẽ là một nội dung quan trọng được đưa ra trong cuộc Hội thảo "Công đoàn với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong một số lĩnh vực sản xuất có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp", dự kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào ngày 21/3 tại Quảng Ninh trong dịp diễn ra lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ, và bệnh nghề nghiệp năm 2005.

Cũng dễ hiểu khi ngành Điện lực được đánh giá là ngành có nhiều nguy cơ về TNLĐ và nguy cơ về cháy, bởi chỉ riêng trong năm 2004, các vụ cháy bắt nguồn từ nguyên nhân do sự cố điện và liên quan đến sử dụng điện là 640 vụ, chiếm tỷ lệ 35 % trong tổng số 3.003 vụ cháy trong cả nước.

Còn theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) thì việc lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện là một trong các lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ nhất. Hệ thống điện chưa được đảm bảo cộng với sự bất cẩn của con người chính là nguyên nhân dẫn tới thực trạng hàng loạt vụ điện giật gây chết người thời gian qua.

Nhiều vụ TNLĐ chết người xảy ra ở khu vực sản xuất kinh doanh tư nhân vẫn chưa được tiến hành điều tra, nhất là TNLĐ chết người do điện giật, ngã cao xảy ra ở các công trình xây dựng nhà ở của dân. Đây cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng công tác điều tra TNLĐ ở một số địa phương còn kéo dài. Thậm chí, một số vụ xác định nguyên nhân gây tai nạn chưa chính xác nên chưa đưa ra đúng và đầy đủ các biện pháp phòng ngừa TNLĐ tái diễn.

Sự chậm trễ của các địa phương còn thể hiện ở việc có 561 vụ TNLĐ gây chết người xảy ra trong năm 2004 nhưng mãi đến tháng 2/2005, các địa phương mới gửi báo cáo về Bộ LĐ-TB và XH 270 vụ. Công tác xử lý cũng chưa nghiêm vì hầu hết các vụ TNLĐ chỉ xử lý kỷ luật hành chính hoặc hoà giải.

Bộ LĐ-TB và XH thừa nhận trong báo cáo tình hình TNLLĐ năm 2004 rằng, một số vụ TNLĐ chưa nêu được đầy đủ các biện pháp phòng ngừa bởi khi điều tra, đoàn công tác đã không quy kết đựoc nguyên nhân cụ thể hoặc xác định nguyên nhân chưa chính xác

Anh Hiếu
.
.
.