Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì giá rét
Bệnh nhân đột quỵ gia tăng
Ngày 21/12, tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đông kín bệnh nhân, nhiều nhất là người bệnh phải cấp cứu do đột quỵ. Điển hình là cụ ông 80 tuổi, có tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp được gia đình đưa đến viện cấp cứu vào lúc nửa đêm. Theo người nhà cho biết, đêm cụ ông dậy đi tiểu và ngã trong nhà vệ sinh.
Người nhà nghe tiếng động chạy vào thì cụ ông đã liệt nửa người. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định, bệnh nhân đột quỵ là do trời lạnh, lại mắc nhiều bệnh lý nền, tăng sinh tuyến tiền liệt gặp lạnh nên khởi phát bệnh.
Người già bị đột qụy cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. |
Tương tự, bà Phạm Thị H. (70 tuổi, Hà Nội) có thói quen dậy sớm tập thể dục. Cách đây 3 ngày, sau khi từ sân tập về nhà, bà chóng mặt và đột ngột ngã quỵ, may được con trai phát hiện và đưa đến viện vào “giờ vàng” nên đã cứu được tính mạng.
TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ cho biết, người cao tuổi thường có thói quen đi bộ và tập thể dục buổi sáng sớm, ra ngoài thời tiết lạnh đột ngột, cơ thể thích nghi kém, kết hợp sương nên dẫn đến đột quỵ. “Chúng tôi không khuyến cáo, trời lạnh không tập thể dục vào buổi sáng, chỉ nên tập buổi chiều tối và tập trong nhà càng tốt”, BS Thắng nói.
Theo BS Thắng, trong mấy ngày vừa qua, thời tiết lạnh đột ngột nên số bệnh nhân nhập viện tăng, khoa có 100 giường đều đã kín. Người bệnh nhập viện với các bệnh lý về hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ. Nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý trên do người cao tuổi phần lớn có đa bệnh lý, đặc biệt là người tăng huyết áp, đái tháo đường, khi gặp thời tiết lạnh cơ thể không giống người trẻ, khả năng thích ứng kém hơn, huyết áp tăng vọt và dẫn đến đột quỵ.
BS Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến bệnh nhân đái tháo đường, do thời tiết lạnh, bệnh nhân ăn nhiều làm đường máu tăng, gây biến chứng. Có người đột quỵ tái đi tái lại nhiều lần. Chỉ trong một buổi sáng, các bác sĩ đã tiếp nhận 4-5 ca đột quỵ, trong đó có người bị lần 2, lần 3.
Theo BS Thắng, bệnh nhân viêm phổi do thời tiết lạnh, nhiễm trùng phổi vào viện trong tuần qua cũng gia tăng. Nguyên nhân do người cao tuổi cao vốn đã có nhiều bệnh lý mãn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vì trời lạnh nên thúc đẩy các bệnh lý này phát triển.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Ths.BS Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết, do rét đậm kéo dài nên bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vào viện tăng hơn so với thời điểm trước. Trong tuần qua có tiếp nhận một số ca đột quỵ do thời tiết chuyển lạnh, người mắc cao huyết áp ra ngoài đột ngột, cơ thể yếu dẫn tới đột quỵ não. Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi gặp thời tiết rét đậm, cơ thể không giữ đủ ấm đã bị các đợt bội nhiễm.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, cũng ghi nhận số trường hợp đột quỵ nhập viện tăng khoảng 20%. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 30%. Từ ngày 17/12 đến nay, mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận gần 50 trường hợp bị đột quỵ, trong đó 90% là người già.
Trẻ em mắc cúm gia tăng
Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chúng tôi gặp khá nhiều phụ huynh cho con tới khám. Đang chờ kết quả xét nghiệm, chị Nguyễn Hải Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con chị sốt cao 39 - 40 độ hai ngày nay, cho uống thuốc hạ sốt và kháng sinh nhưng không đỡ. “Sáng nay tôi mới cho cháu đi viện, bác sĩ đang nghi ngờ cúm A và cho làm xét nghiệm”, chị Phương nói.
Ngồi kế bên chị Phương là một phụ huynh đang bế con nhỏ hơn 1 tuổi, cháu bé sốt cao, ho. Không chỉ trẻ em mầm non, nhiều trẻ lớn học tiểu học bị bệnh lý về hô hấp cũng đang đợi đến lượt tới khám. BS Nguyễn Thúy Hằng cho biết, tình trạng trẻ em nhập viện do thời tiết rét đậm tăng khoảng 15-30% so với trước đó, nhiều nhất là các bệnh về hô hấp, cúm.
Tại Khoa Nhi, các giường bệnh đều kín, trong đó nhiều nhất là bệnh nhi nhập viện do mắc cúm A. Theo BS Hằng, hầu hết trẻ mắc cúm A phải nhập viện đều chưa tiêm phòng cúm. Nhiều phụ huynh nghĩ con chỉ sốt thông thường tự mua thuốc hạ sốt về điều trị, khi con sốt cao liên tục, có trường hợp co giật mới đưa tới viện.
Điển hình của tình trạng đến viện muộn là một số em bé đang điều trị biến chứng não, viêm phổi, viêm cơ tim do cúm A tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong 1 tháng qua, tại Trung tâm ghi nhận 820 ca bệnh nhập viện vì cúm. Trong đó, có nhiều bệnh nhi bị biến chứng nặng lên não, viêm phổi, viêm cơ tim. Theo dự báo của các bác sĩ, cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, nên số trẻ em mắc bệnh sẽ còn tăng trong những ngày tới.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian tới còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, để phòng tránh bệnh cho người già và trẻ nhỏ, những đối tượng này cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau.
Người dân không nên uống rượu bia, đặc biệt là ở miền núi, vì uống rượu làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Người dân tuyệt đối không dùng than củi, than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, mở hé cửa để đảm bảo thông khí và sưởi ấm khi mọi người còn thức; không sưởi ấm qua đêm, đóng kín cửa phòng.
Còn theo khuyến cáo của BS Trần Quang Thắng, người lớn tuổi cần kiểm soát tốt bệnh lý nền, các bệnh mãn tính bằng cách duy trì thuốc, liên lạc thường xuyên với bác sĩ gia đình và tái khám theo khuyến cáo; ăn uống nghỉ ngơi luyện tập hợp lý, tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt lúc nửa đêm về sáng. Phải bỏ ngay tắm khuya hoặc tắm nơi không kín gió, bởi người lớn tuổi dễ bị tai biến mạch máu não, nguy hiểm tới tính mạng.