Gia tăng các bệnh do thời tiết nắng nóng

Thứ Tư, 13/05/2020, 06:52
Cả nước bắt đầu bước vào đợt nắng nóng xảy ra trên diện rộng với nền nhiệt độ cao, đặc biệt trong tuần vừa qua, ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 38 đến 41 độ, có nơi trên 41 độ (ngày 9-5).


Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Đặc biệt, đây là thời điểm bắt đầu bước vào mùa viêm não Nhật Bản B, sốt xuất huyết, tay chân miệng khi học sinh quay lại trường.

Nhiều người bị viêm phổi nhập viện

Sáng 11-5, có mặt tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp rất đông người tới khám, nhưng chủ yếu là người già, người có bệnh mãn tính. Bác Hoàng Thị Hoa (68 tuổi, quận Ba Đình) cho biết: “Sau thời gian dài không tới viện, hôm nay tôi mới tới khám. Vào thời gian cao điểm dịch, bác sĩ kê đơn thuốc uống trong 2 tháng, có gì cần thắc mắc thì gọi điện thoại, bác sĩ tư vấn tiếp tục uống đơn cũ. Nhưng nay tới viện thấy yên tâm hơn hẳn”. Bác Hoa bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường nên khá lo lắng khi thời tiết nắng lên.

Nắng nóng, nhiều người mắc viêm phổi tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

ThS.BS Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Bệnh nhân tới viện khám đã bình thường trở lại như trước khi có dịch COVID-19. Trung bình 1 ngày có khoảng từ 1.200 – 1.500 người tới khám, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp… đơn thuốc vẫn kê uống trong 2 tháng.

Trẻ em tới khám ít hơn so với trước khi có dịch vì tuần vừa qua các cháu mầm non, tiểu học vẫn nghỉ ở nhà. Tuy nhiên, sang tuần này các cháu đã trở lại trường, nắng nóng dễ mắc các bệnh viêm phổi, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, tiêu chảy… nên phụ huynh phải hết sức lưu ý.

Theo BS Hằng, trong tuần qua, xuất hiện nhiều bệnh nhân viêm phổi tới khám, có nhiều người bị bội nhiễm phải vào nhập viện. Nguyên nhân là bắt đầu bước vào đợt nắng nóng, người mắc các bệnh mãn tính như bệnh đái tháo đường, huyết áp dễ mắc bệnh sốt virus, viêm phổi hoặc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dễ có những đợt bội nhiễm cấp phải vào nhập viện. Người dân hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng, nhất là môi trường nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt với người bệnh tăng huyết áp, dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Còn tại BV Lão khoa Trung ương, người đến khám chữa bệnh đã bắt đầu đông trở lại, công tác kiểm soát ra vào vẫn được siết chặt, tất cả người ra vào đều được đo nhiệt đô, khai báo y tế. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Khám theo yêu cầu cho biết: “Sau dịch, lượng bệnh nhân tới thăm khám tăng vọt, tuy nhiên cũng vẫn chưa bằng so với đợt trước dịch bệnh. Hầu hết bệnh nhân cao tuổi đến khám các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… và có biến chứng âm thầm, do vậy cần được theo dõi sát sao và dùng thuốc liên tục”.

Cũng theo ông Hùng, trong đợt dịch vừa qua, không ít bệnh nhân đã lơi là bỏ uống thuốc điều trị, cũng chính vì vậy vậy mà bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim, đột quỵ… thậm chí đã có biến chứng hôn mê.

BS Hùng cũng khuyến cáo hiện thời tiết chuyển sang hè nóng bức, đặc biệt là những ngày qua, nhiệt độ ban ngày đạt ngưỡng 39 độ C, người cao tuổi và nhất là người bệnh cao tuổi cần lưu ý sức khỏe. Bởi nắng nóng khiến người già dễ mất nước, mất điện giải, tạo điều kiện cho các bệnh nền có cơ hội tăng nặng, dễ gây đột quỵ. Hoặc nhiều người chọn giải pháp ngồi điều hòa, tránh nắng nóng, nhưng cũng dễ gặp hệ lụy của việc này như khô niêm mạc đường hô hấp, dễ gây các bệnh lý hô hấp, viêm phổi….

Cẩn trọng với các dịch bệnh mùa hè

Ngoài các bệnh thường mắc trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, thời điểm tháng 5 và tháng 6 là cao điểm của dịch viêm não Nhật Bản B, sốt xuất huyết… nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời điểm này chúng ta phải chuẩn bị phòng chống dịch xảy ra mùa hè - thu như sốt xuất huyết, căn bệnh mỗi năm có  hàng chục đến hơn 100 nghìn người mắc, có hàng chục ca tử vong.

Tháng 5 và 6 là thời điểm của dịch viêm não Nhật Bản B, căn bệnh gây di chứng nặng nề và tử vong cao. Đặc biệt tháng 4 và tháng 5 là mùa muỗi bắt đầu phát triển, chúng ta diệt được 1 con muỗi cái vào thời điểm này bằng diệt hàng vạn con muỗi trong tháng 7, tháng 8.

Vì vậy, trong giai đoạn tới chúng ta vừa phải chống dịch COVID-19 vừa phải chống dịch khác. Từ đầu năm 2020, Bộ Y tế đã chỉ đạo y tế các địa phương chống dịch sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản; chuẩn bị truyền thông, vật tư, kinh phí diệt muỗi. Thời điểm này chúng ta còn đang chống dịch COVID-19 nên không thể tâp trung đông người cho chiến dịch chống sốt xuất huyết như mọi năm huy động hàng nghìn người vào công tác tuyên truyền, thau rửa, vệ sinh các bể nước, diệt muỗi, diệt loăng quăng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta sao nhãng phòng chống các dịch khác.

“Chúng ta cần chia ra các mặt trận chống dịch, vừa chống dịch COVID-19, vừa phân bố lực lượng chống dịch mùa hè, phun diệt muỗi. Đặc biệt, tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân biết ngoài COVID-19, còn các dịch nữa cũng rất nguy hiểm và cũng gây tử vong, đặc biệt là các dịch bệnh trẻ em thường mắc như sởi, viêm não Nhật Bản”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Bác sĩ chuyên khoa Lão khoa Lê Quốc Hùng: “Ngày hè, năm nào Bệnh viện Lão khoa Trung ương thường tiếp nhận bệnh nhân với bệnh lý hay gặp nhất là về hô hấp và đường tiêu hóa. Do vậy để dự phòng, các bệnh nhân cần lưu tâm việc uống đủ nước, hạn chế nước ngọt, nước có cồn và ga; duy trì chế độ ăn khoa học, phù hợp. Tuyệt đối không nên ra nắng nóng quá lâu, lưu ý từ 10-16h, đây là khoảng thời gian nắng nóng gay gắt nhất trong ngày. Với người cao tuổi, dù nắng nóng vẫn cần giữ thói quen luyện tập, tuy nhiên không vận động gắng sức hay dưới trời nắng. Và cần lưu tâm duy trì chế độ thuốc theo đơn thuốc, nếu có bất kỳ thay đổi bất thường cơ thể thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị để kịp thời thăm khám, tư vấn điều trị”.
Trần Hằng
.
.
.