Gia tăng bệnh về đường hô hấp, sốt do thời tiết giao mùa

Thứ Hai, 09/09/2013, 12:08
Thời tiết giao mùa cộng với mưa kéo dài khiến các bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản, sốt virus, sốt xuất huyết tăng mạnh. Các bệnh viện lớn của Hà Nội vốn đã quá tải thì lại càng đông bệnh nhân vào những ngày này. Nhiều trường hợp tự chữa tại nhà không khỏi mới vào bệnh viện thì đã bị biến chứng sang thể nặng. Theo khuyến cáo, bệnh giao mùa dễ phòng tránh, nhưng tâm lý chủ quan vẫn khiến nhiều người mắc bệnh.

Bệnh về đường hô hấp, sốt vi rus, viêm phế quản tăng mạnh

Tuy là chủ nhật, nhưng tại khu vực khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Tai – Mũi – Họng TW đông nghịt bệnh nhân đăng ký chờ khám. 10h ngày 8/9, có mặt ở đây để đợi sếp số vào khám, chúng tôi “choáng” khi biết còn rất nhiều bệnh nhân đang ngồi chờ, nếu đến lượt mình thì phải 12h trưa.

Thể theo nguyện vọng của người bệnh, Bệnh viện Tai – Mũi – Họng TW đã mở thêm phòng khám tự nguyện vào 2 ngày nghỉ cuối tuần là thứ 7 và chủ nhật. Tuy nhiên, nhu cầu khám bệnh của người dân vẫn còn rất cao, đặc biệt là thời tiết đang giao mùa dễ mắc các bệnh về đường hồ hấp. Chị Hoàng Thị Thảo từ Bắc Ninh lên đây khám bệnh cho biết: “Tôi bị đau họng, ho nửa tháng nay. Đã uống kháng sinh và chống viêm 1 tuần rồi không khỏi. Bác sĩ bảo tôi bị ho kích ứng do thời tiết, nhưng sợ bị mãn tính, tôi phải ra Hà Nội khám”.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai - Mũi – Họng TW thì thời tiết giao mùa rất đông người bị bệnh về đường hô hấp vào đây khám. Trung bình một ngày có khoảng 800 người bệnh đến khám, nếu hôm mưa thì ít hơn, khoảng 500 người. Giao mùa là khi thời tiết ngày nóng đêm lạnh nên rất dễ tới bệnh viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, nặng thì viêm phổi. Theo bác sĩ Mai trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân tới khám. Người già và phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Nguyên nhân là do người bệnh bị nhiễm lạnh dễ dẫn tới ho, sổ mũi, đau rát họng.

Trẻ chờ khám bệnh ở Bệnh viện Xanh Pôn.

Tại khu vực khám bệnh theo yêu cầu ở tầng 4 của Bệnh viện Bạch Mai cũng rất đông bệnh nhân tới khám. Chủ yếu người đến khám mắc bệnh viêm đường hô hấp, sốt phát ban, sốt xuất huyết… Từ ngày 1-8, Bệnh viện Bạch Mai mở thêm phòng khám bệnh theo yêu cầu vào 2 ngày nghỉ để phục vụ người bệnh. Vợ chồng chị Trần Thị Lan ở Lĩnh Nam, Hà Nội đưa con đến đây khám, lo lắng cho biết: “Cả nhà tôi bị sốt 1 tuần nay. Khi hết sốt rồi thì khắp người nổi mẩn đỏ, ngứa không chịu nổi. Vào đây khám bác sĩ bảo bị sốt xuất huyết. Vừa nghỉ làm, con vừa phải nghỉ học, thấy bảo phải vài ngày nữa mới khỏi hẳn”.

Tại Khoa Khám bệnh nhi của Bệnh viện Xanh Pôn, chúng tôi gặp rất đông các phụ huynh đang dỗ dành con khi chờ khám. Nhiều cháu bé sốt mặt đỏ ửng, quấy khóc. Có cháu thì ho khù khụ, tràn cả nước mắt. Chị Bùi Thu Hương ở đường Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Cả nhà tôi bị sốt gần một tuần nay. Bác sĩ bảo sốt virus, may cháu út hôm nay khám bác sĩ bảo đã khỏi”. Theo bác sĩ Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng khoa Khám bệnh nhi, Bệnh viện Xanh Pôn thì hiện trẻ vào viện khám gia tăng so với thời điểm đầu tháng 8. Trung bình mỗi ngày có trên 300 đến 400 bệnh nhi tới khám. Do thời tiết giao mùa nên bệnh thường gặp nhiều nhất là về đường hô hấp, sốt do viêm phế quản, viêm phổi.

Cẩn trọng với các biến chứng

Bệnh về đường hô hấp không phải là bệnh nguy cấp nên người bệnh thường không đến viện ngay, chần chừ một vài hôm theo dõi hoặc tự mua thuốc uống, sau không khỏi hoặc khi bệnh nặng mới tới viện. Theo bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, có nhiều người bệnh sau khi tự chữa ở nhà không khỏi mới tới viện khám thì đã biến chứng sang viêm phế quản co thắt, đặc biệt nhiều trường hợp viêm phổi.

Chị Nguyễn Minh Hồng, ở phường Định Công, Hà Nội bế đứa bé khóc ngằn ngặt cho biết: Con chị sốt cao 2 ngày nay không rõ nguyên nhân. Thấy con không ho, không kêu đau họng, chị tự mua thuốc kháng sinh về cho uống nhưng không thấy đỡ sốt. Để 3 ngày chị mới đưa con tới viện khám thì cháu đã bị viêm phổi, phải điều trị bằng tiêm kháng sinh. “Đúng là mình chủ quan, không nghĩ lại xuống phổi nhanh thế. Nhìn con phải tiêm mà thương lắm. Đây là một sai lầm khi không đưa con đi khám kịp thời”, chị Hồng đúc kết.

Ở Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi TW, chúng tôi gặp rất nhiều cặp vợ chồng ngoại tỉnh đưa con lên khám. Phần lớn các bé đều bị sốt, ho kéo dài, có bé ở thể nặng được tuyến tỉnh chuyển lên đây. Theo bác sĩ Mai, không cứ trẻ em mà ngay cả người lớn, người già mắc bệnh về đường hô hấp khi giao mùa.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai thì vào thời điểm giao mùa, người lớn, trẻ nhỏ đặc biệt phải chú ý vệ sinh mũi họng sạch sẽ hàng ngày. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh. Nên dùng nước muối hoặc nước súc miệng có bán ở hiệu thuốc để vệ sinh hằng ngày.

Còn theo khuyến cáo của bác sĩ Hoàng Thị Minh Thu thì ngoài vệ sinh mũi họng, phụ huynh luôn phải giữ ấm cho trẻ để trẻ không bị lạnh, nhất là về đêm. Đã có nhiều trường hợp phải vào viện do thời tiết mưa kéo dài, bị dính nước mưa dẫn tới cảm lạnh, sốt. Với những trẻ nô nghịch hay ra mồ hôi khi thời tiết giao mùa thì phải lau khô ngay

Trần Hằng
.
.
.