Già làng hơn 30 năm 'vác tù và hàng tổng'

Thứ Sáu, 04/09/2015, 08:02
Hơn 30 năm qua, bất kể mưa nắng, ngày hay đêm, mỗi khi địa phương có việc cần thì già Y Kông đều sẵn lòng đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền. Không chỉ vậy, ông còn là “kho” lưu giữ văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của người Cơ Tu…

Đó là già Y Kông, ở xã Ba, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đại úy Đinh Thái Tùng, cán bộ Công an huyện Đông Giang, bộc bạch: “Người Cơ Tu nơi đây tôn trọng các già làng lắm. Từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông cho đến việc vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, chúng tôi đều nhờ già Y Kông vận động người dân”…

Ngôi nhà nhỏ của già Y Kông được bao bọc bởi vườn cây xanh ngát, nằm đối diện UBND xã Ba, huyện Đông Giang. Năm nay già Y Kông đã gần 90 tuổi. Nghe có khách miền xuôi lên thăm, già Y Kông râu tóc bạc phơ như ông Bụt trong truyện cổ tích từ trong nhà bước ra niềm nở chào. Rót mời khách chén trà đặc quánh, thơm ngát, già chia sẻ rằng, mấy năm gần đây sức khỏe của ông ngày một giảm sút; nhưng hầu như tuần nào căn nhà nhỏ của ông cũng đều đặn đón từ 3-4 đoàn khách đến từ khắp năm châu. 

Du khách đến thăm ông, vì biết ông là một “cây đại thụ” của người Cơ Tu trong dãy đại ngàn Trường Sơn này. Đến đây, họ còn được xem cỗ quan tài kỳ lạ do tự tay ông điêu khắc được đặt ngay giữa nhà.

Già làng Y Kông.

Già Y Kông bảo chúng tôi, theo truyền thống thì mỗi người Cơ Tu đều phải tự mình làm một cỗ quan tài trước khi chết, nên ông cũng đã tự làm cái quan tài cho riêng mình. Khoảng 5 năm trước, ông vào rừng tìm được một cây gỗ dổi to, có đường kính 2 người ôm không xuể. Sau đó, ông về làng gọi hàng chục thanh niên trai tráng vào đốn hạ cây, đưa về nhà. 

Từ khi khúc gỗ được mang về, ngày ngày ông tự mình hì hục đục, đẽo suốt hơn 3 tháng ròng rã mới thành chiếc quan tài. Chiếc quan tài của ông theo đúng truyền thống của người Cơ Tu: đầu quan tài chạm đầu một con voi rừng, phía đuôi ông chạm đầu con trâu; hai bên chạm con rồng và chiếc thuyền. 

Nói về những hoa văn này, già Y Kông lý giải: “Con trâu là con thú to nhất ở nhà, con voi là con thú to nhất ở trên rừng. Hai con vật này tượng trưng cho sức mạnh, cho sự to lớn. Chiếc quan tài được tạo thành hình chiếc thuyền, vì mình nghĩ, đời người là một chuyến đi, như chiếc thuyền trôi mãi không bao giờ dừng lại. Khi chết, con người đi sang một miền khác, chiếc thuyền sẽ đưa mình đi trong hành trình đó. Còn mình tuổi Thìn nên hai bên quan tài có đục đẽo con rồng là vậy”.

Những tượng gỗ rất có hồn do tự tay già Y Kông làm.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ba, không giấu niềm tự hào khi nói về già Y Kông: “Trong cộng đồng người Cơ Tu thì các già làng, trưởng bản như già Y Kông, rất có uy tín với bà con. Từ năm 1982, khi thôi làm Chủ tịch UBND huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang), già Y Kông về công tác ở xã Ba và là một tuyên truyền viên mẫu mực về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách hiệu quả. Hơn 30 năm qua, bất kể mưa nắng, ngày hay đêm, mỗi khi địa phương có việc cần thì già Y Kông đều sẵn lòng đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền. Không chỉ vậy, ông còn là “kho” lưu giữ văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của người Cơ Tu…”. 

Theo lời ông Bình, ở huyện miền núi Đông Giang này, từ huyện xuống xã đến thôn, mỗi lần cứ có lễ hội lại phải đến cậy nhờ già Y Kông hướng dẫn; hoặc mượn vật dụng truyền thống của ông. Già Y Kông lưu trữ và chơi được tất cả các nhạc cụ của người Cơ Tu. Trong căn nhà của mình, ông có cả một “bảo tàng” trưng bày các nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, như trống, chiêng, sáo, tù và... 

Đại úy Đinh Thái Tùng, cán bộ Công an huyện Đông Giang, còn cho biết thêm rằng, già Y Kông rất tích cực trong việc vận động người dân bản địa có lối sống văn minh, lịch sự, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương. Mỗi khi Công an huyện, Công an xã có các hoạt động họp dân để tuyên truyền thì đều phải mời các già làng, trưởng bản đến dự. Và tất nhiên là không thể thiếu sự hiện diện của già Y Kông.

“Nhiều khi mình nói cả chục câu không bằng các già làng như già Y Kông nói một câu. Người Cơ Tu nơi đây tôn trọng các già lắm. Từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông cho đến việc vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, chúng tôi đều nhờ già Y Kông vận động người dân…”, Đại úy Tùng bộc bạch.

Nói về sự đóng góp của già Y Kông, Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Công an huyện Đông Giang, cũng chia sẻ: “Lãnh đạo Công an huyện luôn biết ơn những đóng góp thầm lặng của các già làng, trưởng bản trên địa bàn trong việc giúp đỡ đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo ANTT địa bàn; trong đó có sự cống hiến của già Y Kông”. 

Tuy nhiên, già Y Kông rất kiệm lời khi nói về điều đó: “Mình có làm gì to tát đâu. Mình chỉ nghĩ đơn giản, mỗi người dân tốt hơn sẽ làm cho mỗi gia đình tốt hơn. Mà mỗi gia đình tốt hơn sẽ làm cho xã hội cũng sẽ tốt hơn thôi. Được như vậy là mình vui rồi !...”.

Ngọc Thi
.
.
.