Gia cầm nhập lậu “làm nên” dịch cúm H5N1?

Thứ Năm, 24/02/2011, 19:39
Nói về nguyên nhân phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Đức Điệp - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hữu Lũng cho rằng: tuy chưa xác định rõ nguyên nhân, song rất có thể là do nguồn dịch từ nơi khác mang về bởi xã Minh Sơn là một trong những địa bàn có QL1A nối liền các huyện biên giới chạy qua…

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã công bố dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện trên địa bàn. Số đàn gia cầm (chủ yếu là gà) chết hàng loạt khiến cuộc sống người dân lao đao, đồng thời đặt ra mối lo về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm sẽ lan rộng.

Về nơi… ổ dịch

Ngày 21/2, tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Minh Sơn (Hữu Lũng - Lạng Sơn). Không khí căng thẳng, toan lo dịch bệnh phát sinh vẫn chưa dứt hẳn ở đây. Bà Mã Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại ổ dịch cúm gia cầm mới phát sinh trên địa bàn: Hôm ấy là ngày 28/1, nhận được báo cáo của cán bộ thú y xã về việc một số hộ dân chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thôn Cã Ngoài có gia cầm chết hàng loạt, lãnh đạo Ủy ban đã cử tổ công tác xuống tận nơi thu thập thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm gửi lên các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền (Trạm Thú y huyện, Chi cục Thú y tỉnh…) để kiểm nghiệm. Đến ngày 10/2, cơ quan chuyên môn đã gửi thông báo 2 mẫu bệnh phẩm trên cho kết quả dương tính với chủng cúm gia cầm H5N1. Trong đợt dịch này (tính đến ngày 16/2), tổng số đàn gia cầm (chủ yếu là gà) bị chết và tiêu hủy thuộc 2 thôn Cã Ngoài, Cã Trong là 2.415 con (trong đó có 265 con bị tiêu hủy).

Tăng cường công tác phòng dịch ngăn ngừa tái bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1.

Để hiểu rõ hơn về nơi khởi phát nguồn dịch, theo chân chị Nguyễn Thị Thu Thảo, thú y viên của xã, tôi tìm về nhà anh Nguyễn Văn Thiện ở thôn Cã Ngoài - hộ gia đình có đàn gia cầm chết nhiều. Chị Nguyễn Thị Ngân, 49 tuổi, vợ anh Thiện ngậm ngùi: "Đàn gia cầm nhà tôi chết hết rồi chú ạ. Dịch bệnh đã mang đi trên 2.000 con gà mà vợ chồng tôi dày công chăm dưỡng". Theo chị, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào số đàn gia cầm trên. Thế nhưng đến nay, thiệt hại thế này, gia đình không biết xoay xở ra sao…

"Nhằm phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm, từ tháng 2/2010, gia đình đã vay vốn của ngân hàng nhập gà giống với số lượng nhiều về nuôi lấy thịt. Đặc biệt, đến thời điểm cận Tết, tổng số gà mà gia đình có trong trại là hơn 2.000 con. Song chưa kịp di dời lên trang trại mới xây cất, gà đã chết vì dịch rồi" - anh Thiện ngồi gần chêm lời.

Anh Nguyễn Văn Thiện bên trại chăn nuôi bỏ hoang do đàn gà chết hết bởi dịch cúm gia cầm H5N1.

Cũng theo anh Thiện, số gà trong trại nhà anh nuôi chết rải rác từ những ngày 25, 26/1. Song ngỡ tưởng do ảnh hưởng của tiết trời lạnh nên gia đình đã không báo với chính quyền địa phương. Chỉ đến khi thấy đàn gà chết đột ngột với số lượng lớn, ngày 28/1, gia đình mới báo cho cán bộ thú y xã… Đến nay, toàn bộ số gia cầm với trên 2.000 con của gia đình anh Thiện với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 40 triệu đồng đã chết hết. Con số này còn chưa kể đến khoản tiền hơn 20 triệu đồng mà gia đình anh vay mượn để dựng trại nuôi tập trung - anh Thiện tiếp lời. 

Ngăn chặn dịch bệnh - vấn đề không của riêng ai

Trở lại nội dung trao đổi với đại diện UBND xã Minh Sơn, bà Mã Thị Lý cho biết, xã có 10 thôn với 1.851 hộ. Ngoài một số hộ nuôi gia cầm tập trung có quy mô, còn lại hầu hết các hộ đều chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng số gia cầm (gà, vịt) tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn có khoảng 40 ngàn con. Thế nên khi ổ dịch cúm gia cầm H5N1 phát sinh tại thôn Cã Ngoài và Cã Trong đã khiến các hộ chăn nuôi không khỏi lo ngại. Tại những điểm chôn gia cầm tự phát của các gia đình, đoàn công tác chống dịch đã tiến hành xử lý khử trùng, tiêu độc ngừa phát sinh dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được mối nguy do dịch cúm gia cầm H5N1 gây ra.

Theo ông Nguyễn Đức Điệp - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hữu Lũng thì ngay sau khi nhận được tin báo về việc gia cầm chết hàng loạt tại xã Minh Sơn, UBND huyện đã cử cán bộ của Trạm Thú y phối hợp UBND xã xuống địa bàn kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh. Đến ngày 11/2, đã phun tiêu độc khử trùng 100% cả 2 thôn có nguồn dịch là Cã Ngoài và Cã Trong.

Nói về nguyên nhân phát sinh dịch bệnh, theo ông Nguyễn Đức Điệp, tuy chưa xác định rõ nguyên nhân, song rất có thể là do nguồn dịch từ nơi khác mang về bởi xã Minh Sơn là một trong những địa bàn có QL1A nối liền các huyện biên giới chạy qua. Đáng chú ý, theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt dịch vừa qua, trong quá trình ngăn chặn dịch, có một hộ gia đình ở thôn Cã Trong chống đối, cho rằng gia cầm của gia đình không nhiễm bệnh, nên đoàn công tác liên ngành phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế, tiến hành tiêu hủy 58 con vịt đang nằm trong vùng dịch này.

Liên quan đến vấn đề trên, làm việc với đại diện Chi Cục phó Chi cục Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi được biết, hiện một số nơi trên địa bàn, đàn gia cầm vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa cúm khiến nguy cơ phát sinh dịch bệnh luôn tiềm ẩn ở mức độ cao. Ngày 11/2/2011, bà Nguyễn Thị Nguyệt - quyền Chi Cục trưởng đã có tờ trình Cục Thú y về việc đề nghị cấp hỗ trợ 1 triệu liều vaccine cúm gia cầm H5N1 cho 26 xã, thị trấn thuộc huyện Hữu Lũng và 21 xã, thị trấn của huyện Chi Lăng.

Như vậy, để ngừa dịch cúm gia cầm H5N1 tái bùng phát, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với lực lượng hữu quan sớm khắc phục ngay những tồn tại. Nhất là khi hiện nay tại nhiều điểm chợ giáp biên như: chợ Đồng Đăng (huyện Cao Lộc)… vẫn bày bán tràn lan gia cầm mập mờ về nguồn gốc.  

Khuyến cáo của đại diện Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho thấy, gà nhập lậu thường có một số đặc điểm cơ bản để nhận biết như sau:

1. Thường có lông màu vàng sáng.
2. Chân to không chắc, lông đuôi cộc và không dài.
3. Thịt không chắc mà khi ăn không cảm giác ngọt thịt.
4. Gà lông khi mới nhúng vào nước sôi liền xuất hiện hiện tượng nứt toác da.

Ông Nguyễn Đức Điệp - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho biết: Dịch cúm gia cầm rất dễ lây lan sang người, thế nên, khi phát hiện những dấu hiệu có liên quan đến dịch cúm gia cầm H5N1 như: Gia cầm khó thở, bỏ ăn; sưng phù đầu; chết hàng loạt, lây lan nhanh... người dân không được nuôi thả rông gia cầm; không mua bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Trần Huy
.
.
.