Đưa bài thuốc tắm qúy của người Dao đến cộng đồng

Thứ Ba, 29/09/2009, 14:03
Chúng tôi theo con đường đá cổ triệu năm của bản văn hóa Tả Chải đến khu nhà tắm thuốc cộng đồng, theo lời mời niềm nở của chị Chảo Sử Mẩy. Đây là công ty đầu tiên và duy nhất của người Dao kinh doanh dịch vụ tắm thuốc, do Lý Láo Lở, con trai thứ hai của chị Mẩy thay mặt bà con trong bản làm… giám đốc.

Thoáng ngập ngừng trước mấy bồn tắm tròn làm bằng gỗ pơmu xâm xấp chừng 20 lít nước thuốc đang nghi ngút khói, nhưng chỉ khoảng hơn 10 phút ngâm mình trong bồn, dường như mọi mệt nhọc đã tan biến mất. Khu nhà tắm rộng chừng 100m2 này rất đông khách du lịch ghé đến, có lẽ vì ngoài việc được phục vụ một cách chu đáo và quy mô, chất lượng nước tắm rất được đảm bảo.

Giám đốc Lý Láo Lở là một nông dân Dao Đỏ thực thụ, không có dáng vẻ gì của một người làm kinh doanh, ngoài nụ cười hồn hậu. Khi khách hỏi về nguồn gốc bài thuốc tắm cổ truyền của người Dao, Lở cười hở hàm răng trắng, chỉ sang mẹ.

Thực ra, từ lúc lọt lòng đến nay đã gần 30 tuổi, Lở vẫn tắm bằng bài thuốc này, nhưng chỉ biết thuốc tắm của bản tốt hơn rất nhiều so với các cơ sở dịch vụ tắm thuốc của người… Kinh tại thị trấn du lịch quốc tế Sa Pa. Còn thì ngay cả người già trong thôn, biết đọc sách Dao cổ cũng không biết thuốc tắm người Dao có từ bao giờ.

Nghiên cứu dược liệu làm thuốc tắm tại Trường Đại học Dược Hà Nội.

Lở vẫn nhớ, bất kể mùa đông hay mùa hè, cả đại gia đình thường nấu chung một nồi nước thuốc thảo mộc lớn để tắm, rất hiếm khi tắm suối hay tắm bằng nước lạnh. Chung một nồi nước, nhưng sẽ hòa riêng cho từng bồn tắm để nước đủ ấm và hợp vệ sinh. Nếu nhà có khách thì đương nhiên khách sẽ được trân trọng mời tắm trước. Khi chỉ có những người thân trong gia đình, thì theo tuần tự từ già đến trẻ, cha tắm trước, mẹ tắm sau, rồi tiếp đến mới là con cái.

Lúc nhỏ xíu, mẹ vẫn ôm Lở tắm chung. Nhưng khi Lý Láo Lở có vợ con rồi, thì một mình một bồn, không bao giờ tắm chung với ai khác. "Người Dao quan niệm rằng, mười tám tuổi trở lên đã là người trưởng thành, có bổn phận hương khói cúng tế tổ tiên, thần rừng, thần núi, thần cây... nên phải tắm một mình một thùng nước, thì mới đủ cho cơ thể thanh sạch, mạnh khỏe"- Lý Láo Lở tâm sự.

Sách cổ của người Dao khẳng định, chỉ có ba loại cây là không thể làm thuốc tắm được, còn lại mỗi loại đều có giá trị riêng. Từ hàng trăm năm nay, người Dao luôn dùng bài thuốc này để tăng cường sức khỏe, lưu thông khí huyết. "Phụ nữ Dao khi mới sinh con vài ngày, cơ thể còn bấy yếu, đã được người nhà cho tắm thuốc nhằm nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Vài ngày sau khi sinh nở, chúng tôi đã có thể địu con lên nương làm rẫy được rồi" - chị Chảo Sử Mẩy cho biết thêm.

Tiến sĩ Trần Văn Ơn (Trường Đại học Dược Hà Nội) khẳng định, mỗi bài thuốc của người Dao thường dùng từ 10 đến 120 loại thảo mộc khác nhau và được lựa chọn nhiều ít tùy theo kinh nghiệm và mục đích sử dụng. Nhưng, trong số những loại cây dược liệu chính làm nên giá trị của bài thuốc này, thì có đến sáu loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Sau nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Văn Ơn và các đồng sự đã nghiên cứu được công thức để bào chế ra một sản phẩm dạng cao có thành phần và công dụng như bài thuốc tắm thảo dược cổ truyền. Loại thuốc này đã được công ty của Lý Láo Lở đưa ra thị trường, giảm bớt nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu cho rừng.

Gần đây bà con đã có ý thức hơn trong việc nhân giống tại vườn, nhưng rừng vẫn ngày một lùi xa chòm bản nên mỗi chuyến vào rừng, bà con phải đi từ mờ sương đến giữa chiều thì mới gùi về đủ lá thuốc cho một ngày kinh doanh.

Về việc đưa bài thuốc tắm của người Dao đến với mọi người, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai cũng cho rằng: "Từ xưa, người Dao đã rất tích cực trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, có lý do khởi thủy và quan trọng nhất là bảo vệ cây cỏ để làm bài thuốc này. Những giá trị của tri thức bản địa khác sẽ được người Dao bảo tồn và phát huy, một phần lớn thông qua việc phát triển và hưởng lợi từ bài thuốc tắm. Và người Mông, Hà Nhì, Giáy, La Chí, Pa Dí… với bản sắc văn hóa độc đáo của mình, cũng hoàn toàn có thể làm giàu từ những mô hình tương tự"

Lê Quân
.
.
.