Du lịch văn hóa, lịch sử thu hút khách

Thứ Hai, 03/05/2010, 14:38
Lăng Bác Hồ, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử, Hoả Lò, Đền Cổ Loa, Đền Đô… là những di tích lịch sử thu hút đông đảo người dân tới tham quan vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 này.

Du khách đến với các di tích nơi ghi đậm dấu ấn của một thời mở nước, sự thăng trầm của lịch sử và như được thấy lại những cuộc chiến đấu hào hùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ để giành độc lập cho dân tộc.

Địa điểm mà nhiều người dân tìm về Hà Nội vào ngày 30/4 là Khu di tích Lăng Bác Hồ. Từng dòng người lặng lẽ, nghiêm trang vào lăng viếng Bác. Nhiều em nhỏ, người khuyết tật và những người dân ở các tỉnh, thành tỏ lòng thành kính trước anh linh của Người. Ai cũng xúc động nghẹn ngào khi nhìn thấy Bác, thấy nếp sinh hoạt giản dị của Người.

Bảo tàng Cách mạng cũng là một điểm đến được nhiều người lựa chọn trong dịp lễ này. Có thể thấy hình ảnh các cô cậu học sinh mang trên mình chiếc áo trắng đồng phục. Nhiều phụ huynh chọn kỳ nghỉ dài đưa con đến thăm các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho con, mong muốn thế hệ sau hiểu được quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước, mong con sẽ biết trân trọng lịch sử để định hướng cho tương lai. Đó là bài học ngoại khoá bổ ích và rất thiết thực cho lớp trẻ hôm nay.

Ngày 1/5, hai đoàn khách du lịch Nhật Bản gồm hơn 100 người đến Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) tham quan. Họ chăm chú lắng nghe từng lời thuyết minh của hai hướng dẫn viên du lịch. Trong dịp nghỉ lễ này, không chỉ khách trong nước mà lượng khách nước ngoài đến thăm Khu di tích Cổ Loa cũng tăng đột biến.

Khách du lịch bị cuốn hút bởi truyền thuyết đẹp và bi tráng của người Việt Nam thời kỳ dựng nước. Những vòng thành thuộc diện cổ nhất Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.

Tại đình Ngự triều di quy còn trưng bày những hiện vật có giá trị được các nhà khảo cổ tìm thấy sau những đợt khai quật, thể hiện nền văn hoá thuở sơ khai. Đoàn khách tham quan từ miền Nam dừng lại nơi bán đồ lưu niệm, mua những tấm ảnh chụp về khu di tích, đặc biệt là mô hình thần Kim Quy cõng nỏ thần đánh giặc.

Chị Trần Thuý Hạnh, ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tâm sự: "Tôi mới biết đến thành Cổ Loa qua sách vở và vở cải lương "Mị Châu - Trọng Thuỷ", nên đợt nghỉ này ra Hà Nội, tôi đưa gia đình đến Khu di tích Cổ Loa để biết kinh đô đầu tiên của nước ta như thế nào".

Còn chị Nguyễn Thị Thuỳ, nhân viên bán vé ở Khu di tích Cổ Loa cho biết: "Những ngày này lượng khách đến tham quan tăng lên gấp nhiều lần so với thứ bảy, chủ nhật thông thường", họ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, các đoàn khách nước ngoài…

Khách đến thăm quan Đền Cổ Loa.

Cũng trong đợt nghỉ lễ này, một số công ty du lịch đưa ra các tour du lịch như Hà Nội - Đền Sóc - Cổ Loa, hay Hà Nội - Đền Đô - Cổ Loa. Sau khi tham quan một số di tích trong nội thành Hà Nội, khách được đưa tới Đền Đô (phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - nơi thờ 8 vị vua triều Lý), rồi đến với di tích Cổ Loa với mức giá rẻ chỉ chưa đến 200.000 đồng/người. 

Kể từ chính hội Đền Đô (kỷ niệm 1.000 năm Ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (15/3/1010-15/3/2010), liên tục trong những ngày qua, lượng khách vẫn đổ về không ngớt. Sáng 2/5, trời mưa to cũng không cản được bước chân khách tham quan.

Nhà giáo Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (hướng dẫn viên du lịch Đền Đô) phấn khởi cho biết: "Chúng tôi vừa đón các đoàn giáo viên, học sinh từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định… về thăm. Có lẽ, do cùng hoà chung với hào khí 1.000 năm Thăng Long nên khách đến với Đền Đô ngày càng đông". Khách tới đây không chỉ được nghe kể về một triều đại nhà Lý thịnh trị mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản chiếu dời đô khổng lồ bằng sứ mới được dựng trước cửa đền.

Điều đáng mừng là tại các di tích lịch sử mà chúng tôi đi qua, tìm hiểu trong những ngày nghỉ lễ này, tình hình an ninh trật tự ổn định, người dân có ý thức giữ gìn môi trường văn hoá chung cho cộng đồng.

Tham quan các di tích lịch sử trong dịp cả nước kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đặc biệt có ý nghĩa đối với công dân Việt Nam trên mọi miền đất nước. Hình ảnh du khách đến và đi tấp nập tại các di tích này là tín hiệu vui, thể hiện tinh thần của người Việt vẫn luôn hướng đến truyền thống, hướng về cội nguồn

Việt Hà
.
.
.