Dự án 500 “cô đỡ thôn bản”

Thứ Năm, 03/01/2008, 14:38
Với nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng từ UBND TP HCM cùng Cty GlaxoSmithKline hỗ trợ, từ năm 2004 tới nay dự án “Cô đỡ thôn bản” của Bệnh viện Từ Dũ không chỉ giúp đỡ cho hàng chục ngàn phụ nữ ở những vùng dân tộc được mẹ tròn con vuông mà còn giúp họ xóa dần quan niệm lạc hậu.

"Cô đỡ thôn bản" - một chức danh hoàn toàn chưa được cập nhật trong danh sách các chức danh về hành chính.

Thế nhưng vài năm nay kể từ khi dự án "Cô đỡ thôn bản" được ra đời đã hình thành nên một lực lượng Y tế đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng dân tộc tại các huyện lỵ xa xôi như Bù Đăng - Bình Phước, những vùng sâu của Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và nhất là 4 tỉnh Tây Nguyên. Nơi mà tập trung trên 50% các ca tai biến do sinh đẻ của 23 tỉnh thành phía Nam.

Phải chứng kiến biết bao trường hợp sản phụ tử vong do không được cấp cứu kịp thời vì băng huyết, trẻ sơ sinh nhiễm trùng uốn ván do mẹ phải tự dựng lều sinh trong rừng và dùng thanh cật tre làm dao cắt rốn cho con… khiến giáo sư - bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và các cộng sự vô cùng trăn trở.

Dự án mang tên "Cô đỡ thôn bản" đã được hình thành từ những trăn trở ấy. Với nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng từ UBND TP HCM cùng Công ty GlaxoSmithKline hỗ trợ cho hoạt động, từ năm 2004 tới nay dự án này không chỉ giúp đỡ cho hàng chục ngàn phụ nữ ở những vùng dân tộc được mẹ tròn con vuông mà còn giúp họ xóa dần quan niệm lạc hậu.

Hình thành một thói quen: sinh con tại cơ sở y tế thay vì trước đây phải sinh con dưới gầm sàn; can thiệp tuyên truyền giúp những sản phụ được khám thai định kỳ, cũng như trẻ nhỏ sinh ra được tiêm phòng đầy đủ.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết dự án ngày 2/1/2008, bác sĩ Phạm Việt Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Chương trình đào tạo không chỉ nhằm trang bị cho học viên, những phụ nữ dân tộc thiểu số các kiến thức và kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ sơ sinh và kế hoạch hóa gia đình mà còn thể hiện tính năng động trong việc thực hiện chính sách xã hội hóa của Đảng.

Tính tới nay, dự án đã giúp 110.456 lượt các sản phụ thôn bản được khám thai định kỳ, 3.500 trường hợp các bà mẹ đã được đỡ sinh và 898 trường hợp được chuyển tuyến kịp thời

H.Nga
.
.
.