Đốt vàng mã: Tiền tỷ cháy thành tro

Thứ Ba, 28/08/2012, 19:27
Đốt vàng mã có phải là một phong tục của người Việt? Quan điểm trần sao âm vậy nên đua nhau đốt quần áo, nhà cửa, xe cộ… và cả Ôsin cho người cõi âm có phải xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc? Có nhất thiết phải đốt hàng tỷ đồng để thể hiện sự báo ơn với người đã khuất?

Hộ gia đình nhỏ, chí ít cũng mất 100.000đ sắm vàng mã đốt cho ông tiền chủ, bà tiền chủ, ông thần linh, bà thần linh, tiền vàng… Hộ gia đình cỡ trung, còn phải bỏ thêm một vài trăm để sắm quần áo, nhà cửa, xe cộ, tiền vàng… gửi cho người thân đã mất.

Đó là ghi nhận của phóng viên vào sáng 11/7 âm lịch, tại một cửa hàng chuyên doanh vàng mã ở “cái nôi” vàng mã làng Cót, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Một khóa lễ 3 ngày với ngựa khủng, tháp, thuyền rồng

Sáng 27/8 (tức 11/7 âm lịch), chúng tôi đến chùa Tứ Kỳ (Hà Nội) và tận mắt chứng kiến khóa lễ đã kéo sang ngày thứ 3. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tụng kinh… tạo ra không khí vừa linh thiêng, vừa huyền bí. Khẽ khàng ngồi cạnh một cô lớn tuổi, chúng tôi được cô cho biết, khóa lễ sẽ kết thúc vào lúc 19h ngày hôm nay. Theo cô, khóa lễ này diễn ra trong 3 ngày. Mục đích của gia chủ là cầu an cho gia đình, dòng tộc. Chưa đến 10 người tham dự khóa lễ, trong đó có các nhà sư và những người đàn ông mặc áo nâu (tóc để bình thường) cùng vài người nhà của gia chủ.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Ngoài mâm cỗ, hoa quả còn có rất nhiều mã. Đó là 3 con ngựa mã to bằng ngựa thật màu trắng, vàng, đỏ; tòa tháp cao; thuyền rồng; hình nhân; và nhiều nhà cửa, đồ mã khác. Không những nhiều về số lượng mà mã ở đây được làm khá cầu kỳ, tinh xảo. Điều đó cho thấy rõ tay nghề của người thợ và cả tấm lòng thành của gia chủ. Nó cũng nói lên số tiền cả chục triệu đồng mà gia chủ thành tâm bỏ ra khi tổ chức khóa lễ. Chúng tôi được biết, sau khi kết thúc khóa lễ, số mã này sẽ được đem đi hóa. Lúc đó, lòng thành của gia chủ mới thực sự gửi đến bậc tiên cổ.

Trò chuyện với người bán nước ngay trước cửa chùa, chị cho biết năm nay chưa có khóa lễ nào vượt qua khóa lễ 600 triệu tiền mã như năm ngoái. Cũng ngựa, cũng tháp, cũng thuyền rồng… nhưng mã năm ngoài bày kín hết cả sân chùa. “Ngựa to như ngựa thật, tháp cao lắm, thuyền rồng dài lắm…, bày kín hết cả sân, đẹp lắm”, chị bán hàng nước nói. Khi nghe chúng tôi hỏi, chủ khóa lễ 600 triệu ở đâu thì chị này bảo, “ở tỉnh ngoài, mà hình như ở Thanh Hóa”. Nói rồi, chị giải thích rằng, gia chủ thành tâm, nhờ nhà chùa tổ chức khóa lễ 3 ngày. Với lại, chùa thiêng nên người ta càng đến nhà chùa nhờ lễ nhiều.

600 triệu tiền mã. Một con số giật mình. Trong mắt người kiếm sống bằng những cốc trà đá thì thấy, nó thật đẹp. Còn tôi và hẳn nhiều người khác nữa thì bất ngờ. Bất ngờ trước hành động “hào phóng” của ai đó. Bất ngờ vì cách tri ân người cõi âm của những người có tiền. Bất ngờ đến xót xa khi biết, người ta sẵn sàng đốt cả trăm triệu thành tro bụi để thể hiện sự thành kính với cõi hư vô.

Năm 2009, sự việc một đại gia khai thác cát lập đàn tế trên bãi giữa sông Hồng, đốt hàng trăm con ngựa mã với tổng số tiền lên đến 400 triệu đồng khiến dư luận ngỡ ngàng. Thiên hạ bảo rằng, đại gia này tri ân Hà bá bằng mã cho xứng với những gì đã nhận từ đáy sông. Và thiên hạ cũng bảo rằng, có thể đây là sự sám hối vì đã rút ruột con sông mẹ. Cũng thiên hạ đồn thổi, rằng đấy là cách thể hiện rõ túi tiền mà người này đã “nhặt” được từ sông.

Thôi, cho rằng có lý giải thế nào đi nữa thì rõ ràng, việc làm này cũng là một cách chơi trội. Cách chơi của người có tiền. Còn những người có túi tiền tầm tầm thì trước ngày Rằm tháng Bảy, ai cũng chi ra chí ít một trăm, nhiều thì tiền triệu để tri ân người âm.

Thường dân cũng đốt tiền trăm

Gần 12 trưa mà chị chủ hàng vàng mã trên phố Yên Hòa vẫn chưa được ngơi tay. Gia đình chị vốn có tiếng về nghề làm vàng mã nên khách tìm đến nhà chị vừa mua được giá gốc, lại có đủ thứ để chọn. Tay chị thoăn thoắt xếp quần áo thần linh, ông bà tiền chủ, quần áo cho người cõi âm, vàng, hương… vào từng túi to màu đen theo đơn đặt hàng của khách. Ấy vậy mà, có khách ghé qua để lấy, chị phải xin lỗi vì chưa sắp kịp. Cứ người này đến, người kia ra, ai cũng túi lớn, túi bé. Và cái quan trọng là mỗi người khi xách túi vàng mã đi bao giờ cũng gửi tiền thật cho chị.

Người thì 100.000đ, người thì 320.000đ…, số lượng tiền tùy thuộc vào số mã mà khách mua. Nhìn hộp tiền đầy những đồng tiền mệnh giá 50.000đ, 100.000đ, 200.000đ… của chị, ai cũng nhận ra rằng, vàng mã của chị đã biến thành tiền thật. Có bà hàng xóm đi qua, nhìn chị tất bật mới đùa rằng, “thôi nghỉ tay ăn cơm không lại đuối sức”, chị chủ cười bảo rằng, “còn mấy ngày nữa đến Rằm, cháu lại thảnh thơi thôi”.

Đúng vậy! Với người làm nghề vàng mã, tháng Bảy âm là tháng làm ăn tốt nhất trong năm, thứ đến mới là dịp Tết Nguyên đán. Còn lại thì cứ đủng đỉnh làm tiền vàng, tiền âm phủ và thỉnh thoảng gặp được khách đặt hàng làm khóa lễ… Nghĩa, cả năm không bao giờ hết việc nhưng bội thu nhất là dịp tháng Bảy âm.

Chẳng thế mà vào mùa này về làng Đông Hồ, đến đâu cũng thấy vàng mã. Hơn 200 hộ trước đây vốn làm tranh Đông Hồ, nay chỉ còn mấy hộ theo nghề tranh dân gian còn lại chuyển qua làm vàng mã. Hộ thì chuyên doanh quần áo, hộ chuyên tiền vàng, hộ chuyên ngựa, hộ chuyên nhà… Nếu khách buôn, cứ đến từng hộ gom, chừng mươi hộ là đủ cả lệ bộ. Nhìn lượng vàng mã ở Đông Hồ sản xuất ra, đủ biết sức tiêu thụ lớn cỡ này. Nhìn số lượng tiền thật người ta thu về, đủ biết thiên hạ đã đốt đi bao nhiêu tiền thật ra tro, ra khói bụi.

Những ngày này, đặc biệt là buổi chiều, khi đi trên các phố ở Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh đốt vàng mã. Khói, tro bay mù mịt song người ta vẫn thi nhau đốt. Nếu tính một hộ gia đình đốt 100.000đ vàng mã thôi, đủ biết riêng thành phố trên 4 triệu dân như Hà Nội, số lượng tiền thật đốt ra lớn cỡ nào. Việc lãng phí, gây ô nhiễm môi trường này đã được các cơ quan quản lý nhà nước nhìn thấy và đã có chế tài xử phạt.

Đáng chú ý là chế tài này hiện vẫn đang còn giá trị, song dường như chẳng ai thèm quan tâm. Đó là Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ có quy định xử phạt đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, nơi công cộng… với mức phạt 500.000đ - 1.000.000đ. Tiếc rằng, quy định này lại chỉ có giá trị trên giấy.

Đốt vàng mã có phải là một phong tục của người Việt? Quan điểm trần sao âm vậy nên đua nhau đốt quần áo, nhà cửa, xe cộ… và cả Ôsin cho người cõi âm có phải xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc? Có nhất thiết phải đốt hàng tỷ đồng để thể hiện sự báo ơn với người đã khuất? Trong số báo tới, chúng tôi sẽ có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian để tìm câu trả lời

Cao Hồng
.
.
.