Đồng bằng sông Cửu Long: Củi trấu - một giải pháp mới bảo vệ môi trường
Những chất thải đó hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài nguyên giúp nông dân thoát nghèo, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sống. Đó là những mục tiêu mà dự án VIE/020-Dự án "Sản xuất nông thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải" (gọi là dự án bèo lục bình).
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước nên trấu là một thứ chất thải mà các nhà máy xay xát đau đầu tìm cách giải quyết. Đã có lúc họ thẳng tay cho trấu xuống sông, rạch.
Với Dự án VIE/020 của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (gọi tắt Trung tâm Hòa An, có trụ sở tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) thì trấu đã thực sự đổi đời.
Trung tâm Hòa An đi vào hoạt động từ hơn tháng nay và mới giới thiệu thành tựu thực hiện Dự án "Tái tạo năng lượng từ lục bình và chất thải" do Trường ĐH Cần Thơ kết hợp với Luxembourg và tỉnh Hậu Giang thực hiện.
Củi trấu cũng là một trong những sản phẩm độc đáo của dự án bèo lục bình. Theo khảo sát của dự án, hàng năm, các nhà máy xay xát của tỉnh Hậu Giang thải ra khoảng 220.000 tấn trấu. Trung bình mỗi ngày, mỗi nhà máy xay xát thải ra 24,5 tấn trấu.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Phong (phụ trách kỹ thuật môi trường) đưa chúng tôi tới chiếc máy ép củi trấu. Máy được sản xuất tại Gò Công (Tiền Giang) mà Trung tâm mới mua về hơn tháng nay.
Giá máy ép củi trấu 15 triệu đồng, cùng động cơ điện 3 pha 15 sức ngựa giá 5 triệu đồng. Máy có công suất 70-80kg củi/giờ, tiêu thụ điện 6-7 KW/h. Cứ 1,05kg trấu thì cho ra 1kg củi trấu.
Chỉ cần cho trấu vào phễu, qua bộ phận ép thì máy "nhả" ra những thanh củi bốc hơi nóng hổi. Củi trấu có đường kính 73 mm, dài từ 0,5 - 1m; thanh củi trấu dài 21cm, nặng 1kg.
Cứ 1kg củi trấu thì nấu được bữa ăn cho 4 người. Theo kỹ sư Nguyễn Hữu Phong, củi trấu duy trì sự cháy lâu hơn nấu trực tiếp bằng trấu hoặc các loại chất đốt khác.
Thạc sĩ Phạm Thị Vân - Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Sử dụng trấu để sản xuất thành củi trấu là giải pháp vừa kinh tế vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường".
Theo ước tính của dự án, nếu giá trấu nguyên liệu đầu vào khoảng 100 đồng/kg thì giá sản xuất 1kg củi trấu là 250 - 300 đồng.
Điều đặc biệt, điện năng sử dụng cho máy ép củi trấu được sản xuất từ lục bình. Loài thủy thảo này trước đây là vấn nạn đối với việc lưu thông trên kênh rạch nhỏ của các loại ghe xuồng. Nhiều năm qua, lục bình được sản xuất thành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Tuy nhiên, giá trị kinh tế của nó cũng chẳng là bao. Bây giờ, với dự án này, lục bình đã biến thành một loại thủy sinh có giá trị kinh tế nhiều mặt.
Lục bình tươi đưa vào máy cắt (công suất 5 tấn/giờ) chuyển sang máy ép, nước chảy vào hầm ủ biogas (công suất 2 tấn/giờ) cho lên men. Nước thải từ hầm lên men sinh ra khí.
Khí vào bể chứa khí dùng để chạy máy phát điện, chạy động cơ (máy ép trấu, máy bơm nước) và đun nấu. Nước thải từ hầm chứa khí dùng nuôi thủy sản. Trung tâm có 2.000m2 diện tích ao nuôi cá sặt rằn, cá hường.
Nhờ nước thải có độ pH 2,5, tái tạo năng lượng rất tốt nên nước nhiễm phèn mặn cao ở đây đã được hóa giải.
Rễ lục bình ủ compost (với bã mía và phân heo) để nuôi giun đất. Thân và lá lục bình nén thành bánh, hoặc trải bằng mặt, ủ meo nấm rơm, sản xuất nấm rơm.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thử nghiệm bước đầu của Trung tâm, chưa đưa vào sản xuất đại trà