Đò ngang Quảng Bình vẫn "dọa" khách

Thứ Bảy, 07/03/2009, 19:17
Sau tai nạn thảm khốc tại bến đò ngang ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang tích cực chỉ đạo các cấp địa phương khẩn trương lập lại trật tự trên các bến đò ngang, đò dọc trên địa bàn. Tuy nhiên, tại các bến đò ngang vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
>> Tang thương bao trùm Quảng Hải

Quảng Bình gồm có 5 con sông lớn với tổng chiều dài 228km, bao gồm sông Gianh, sông Son, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang, sông Roòn. Sông ở Quảng Bình được bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ ra biển Đông, sông có độ dốc lớn nên về mùa mưa lũ, lưu tốc dòng chảy mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động trên sông và khả năng mất TTATGT rất lớn.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có trên 60 bến đò ngang và các tuyến đò dọc, với hơn 3.000 phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa… Vì thế, hằng ngày có hàng vạn người dân phải sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy nội địa để qua lại phục vụ đời sống; trong khi đó các phương tiện đò ngang, đò dọc ở đây vẫn đang ẩn chứa những nguy cơ tai nạn rất khó lường.

Bến đò Trung Quán thuộc xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh là một trong những bến đò ngang lớn nhất của tỉnh Quảng Bình. Hằng ngày tại bến đò này đưa đón gần 800 học sinh của các trường học đóng trên địa bàn hai xã Duy Ninh và Hiền Ninh. Khó khăn ở bến đò này là hành khách chủ yếu là học sinh lại sang sông đồng loạt vào giờ cao điểm trước và sau các buổi học nên đã từng xảy ra tình trạng học sinh đùa nghịch, chen lấn, xô đẩy rất mất an toàn.

Bởi vậy thời gian qua, Ban ATGT, Công an huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo Ban Giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương, chủ thuyền, gia đình và từng học sinh đã tiến hành ký cam kết chấp hành tốt luật lệ ATGT mỗi khi qua sông.

Đò ngang tại bến đò Trung Quán vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Ông Trần Hải Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các tuyến giao thông đường thủy nội địa. Bố trí lực lượng Công an viên trực ở các bến đò ngang nhất là vào giờ cao điểm. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành Luật GTĐTNĐ và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại bờ bến xã Duy Ninh không thấy bóng dáng của một Công an viên nào kiểm tra hay nhắc nhở. Trong lúc đó trên đò chở rất nhiều khách và học sinh, ai cũng không mang áo phao, chỉ có một vài phao cứu sinh buộc ở trên trần con đò. Nếu lỡ tai nạn xảy ra thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Đa số các chủ đò đều chủ quan, cứ cho rằng hành nghề trên sông nước lâu đời nên quen dòng sông, con đò. Nhưng chính sự chủ quan đó đã vô tình là thủ phạm cho những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trong chuyến kiểm tra các bến khách ngang sông tại miền Trung từ Thanh Hóa vào Quảng Nam của Đoàn liên ngành gồm Cục CSGT đường thủy, Cục Đường thủy nội địa… Đoàn đã kiểm tra tại 2 bến đò ngang Trung Quán và Trần Xá (trên sông Nhật Lệ).

Qua kiểm tra, Đoàn đã kết luận 2 phương tiện tại bến Trung Quán đã được đăng ký, đăng kiểm, được trang bị thiết bị an toàn. Người điều khiển phương tiện mang BKS QB 1140-H có bằng phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển theo quy định; còn phương tiện BKS QB 1137-H bị đình chỉ hoạt động vì người điều khiển không có bằng phù hợp theo quy định. Ngoài ra, phương tiện tại bến Trần Xá chưa được đăng ký, đăng kiểm, hiện tại đang làm thủ tục…

Mặc dù các lực lượng chức năng ở tỉnh Quảng Bình đã thực sự vào cuộc một cách tích cực và quyết liệt. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lại chia cắt, lực lượng CSGT đường thủy lại quá mỏng không đủ khả năng kiểm soát và xử lý tình hình, bởi vậy muốn đảm bảo ATGT đường thủy nội địa hơn là ý thức tự giác của các chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy phải thực sự được nâng lên. Đồng thời vai trò của các cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã và ban lãnh đạo các thôn, xóm có bến đò ngang và phương tiện đường thủy là rất quan trọng. 

Theo kết quả của 2 đoàn kiểm tra hoạt động các bến khách ngang sông của Bộ GTVT tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam hiện vi phạm quy định giao thông đường thủy tại các bến đò khu vực miền Trung vẫn diễn ra hết sức phổ biến.

Đơn cử tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh trong số gần 230 bến khách ngang sông của 3 địa phương này hiện chỉ có trong số đó có giấy phép hoạt động, 150/280 phương tiện được đăng ký; số người điều khiển phương tiện được cấp chứng chỉ chuyên môn tại Thanh Hóa mới chỉ đạt 13%, Nghệ An 55%, Hà Tĩnh khoảng 68%.

Điều đáng nói là đa phần các phương tiện chở khách ngang sông đều đã cũ, chất lượng thấp, thiếu thiết bị an toàn theo quy định, nhiều phương tiện đã hết thời hạn kiểm định vẫn được sử dụng để khai thác. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên những vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Trần Ánh
.
.
.