Điều trị Methadone xã hội hóa - một mô hình hay

Thứ Sáu, 20/06/2014, 11:32
Năm 2008, TP Hải Phòng là địa phương được Chính phủ chọn thí điểm điều trị bệnh nhân ma túy bằng Methadone. Bước đầu liệu pháp này đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên còn một số hạn chế do bao cấp, khiến một số bệnh nhân chỉ ngậm Methadone rồi sau đó nhổ ra ngoài.

Thậm chí có người đem bán lấy tiền mua heroin. Từ tháng 6/2011, cùng với nhiều biện pháp quản lý, khắc phục tồn tại trên, TP Hải Phòng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và sự giúp đỡ của Tổ chức FHI, đã thí điểm xây dựng mô hình điều trị Methadone xã hội hoá đầu tiên trên toàn quốc. Mô hình giao cho Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai và có địa chỉ tại số 127/109 đường Trường Chinh, quận Kiến An.

Về bản chất, đây vẫn là phác đồ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhưng sự khác biệt của mô hình xã hội hoá là thực hiện cơ chế Nhà nước quản lý, bệnh nhân và gia đình đóng góp một phần kinh phí.

Số tiền này được nộp kho bạc Nhà nước và quản lý, sử dụng chặt chẽ. Mô hình ràng buộc trách nhiệm kinh tế của người bệnh, nên họ không bỏ tiền ra đóng góp để rồi lại vứt bỏ thuốc.

Bên cạnh đó, Trung tâm đặt vị trí, vai trò tư vấn lên hàng đầu, nên đã lôi cuốn bệnh nhân tự nguyện điều trị. Hiện cơ sở này có 245 bệnh nhân, theo thống kê của Chi cục PCTNXH, sau 6 tháng điều trị chỉ còn 9% bệnh nhân dương tính với heroin, số còn lại đang tiến triển tốt.

Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm cũng tăng lên 67% với mức thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Điển hình là anh Nguyễn.V.A., 44 tuổi, ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng, nghiện heroin gần 20 năm. Anh A. cho biết: Trước đây, mỗi ngày phải chích heroin 2 đến 3 trăm nghìn đồng/ngày, hết tiền thì chỉ có phạm tội, chứ không thể vượt qua được cơn “vã”.

Bệnh nhân tự nguyện tại cơ sở điều trị Methadone xã hội hoá.

Từ khi điều trị tại Trung tâm, anh A không bị ràng buộc bởi heroin, không bị sức ép kiếm tiền, tinh thần anh thoải mái, khỏe mạnh và đã đi làm đều. Đặc biệt là anh Đồng X.T., 42 tuổi, trú tại phố Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An. Anh T. điều trị Methadone xã hội hóa từ ngày 11/11/2011, kết thúc ngày 26/3/2014 với thể trạng khỏe mạnh, tinh thần phấn khởi và hiện đã mở một xưởng sửa chữa ô tô, xe máy, thu hút 4 công nhân tới làm việc. Còn anh Đinh.C.H., 35 tuổi, trú tại thôn Bảo Kiếm, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, trước đây không thể lao động do yếu.

Nhờ điều trị bằng thay thế Methadone, anh đã có việc làm trở lại. Mặc dù có thời gian gặp khó khăn trong cuộc sống, phải bỏ dở điều trị. Thấy rõ lợi ích của mô hình này, năm 2014 anh H đã quay trở lại Trung tâm và hiện nay kết quả điều trị của anh có tiến triển tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Phan, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH TP Hải Phòng cho biết: Qua 3 năm triển khai thí điểm mô hình điều trị bệnh nhân ma túy bằng thay thế Methadone xã hội hóa, càng cho thấy đây là một mô hình mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trước hết là góp phần giảm số người nghiện ma túy, số người còn lại giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp và số vụ phạm pháp do họ gây ra. Khi điều trị, sức khỏe bệnh nhân tăng, đồng thời giảm lây truyền HIV, giảm viêm gan và giảm tử vong. Bên cạnh đó, chức năng xã hội và tình trạng kinh tế bệnh nhân cũng được cải thiện.

Một ưu điểm khác là tổng chi phí điều trị cho 250 người/năm trong chương trình Methadone xã hội hóa, chỉ bằng 44% cho lượng bệnh nhân trên trong cơ sở cai nghiện tập trung

Q.Phòng - V.­Thịnh
.
.
.