Diễn viên Đơn Dương ra tòa vì lừa tình, lừa tiền

Chủ Nhật, 15/03/2009, 10:40
Ngày 27/2, Tòa án quận Fairfax, bang Virginia, Mỹ đã mở phiên xét xử diễn viên Đơn Dương với các tội danh "Gian dối về tình trạng sức khỏe trong lúc bản thân bị nhiễm viêm gan siêu vi B, siêu vi C - là bệnh có thể lây lan qua đường tình dục" khi "quan hệ" với người khác, thu hình các cảnh chăn gối rồi dùng nó để tống tiền". Kết quả, Đơn Dương bị phạt 200 nghìn USD.

Theo nguồn tin chính thức từ Tòa án quận Fairfax, bang Virginia, thì ông diễn viên này bị một phụ nữ người Việt tên Lien T.P Tran gửi đơn tố cáo vì "Đã gian dối về tình trạng sức khỏe trong lúc bản thân bị nhiễm viêm gan siêu vi B, siêu vi C - là bệnh có thể lây lan qua đường tình dục" khi "quan hệ" với bà này.

Không những thế, Đơn Dương còn bí mật thu hình những cảnh nóng bỏng trên giường rồi dùng những thước phim ấy để tống tiền bà hàng trăm nghìn USD.

Các cáo buộc còn cho biết, Đơn Dương đã lừa gạt Sở Di trú Mỹ bằng cách đưa một người "vợ" ở Việt Nam sang Mỹ để lấy 10 nghìn USD, sau đó ly dị rồi tiếp tục gạ gẫm những phụ nữ khác.

Thông tin của một số tờ báo Việt ngữ xuất bản ở Mỹ cho biết, sau một thời gian cặp kè với nhiều phụ nữ sồn sồn nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, tháng 6/2008, Đơn Dương đã làm đám cưới với bà Mỹ Hạnh, 64 tuổi (trong lúc Đơn Dương 51 tuổi), chủ nhân của thẩm mỹ viện Hạnh Phước và là người có cổ phần trong hãng sản xuất băng, đĩa nhạc Thúy Nga Paris.

Và chỉ sau khi Đơn Dương làm đám cưới thì mới xuất hiện những lá đơn tố cáo này. Nhiều người cho rằng, đối với Đơn Dương, cuộc hôn nhân ấy chỉ nhắm đến một mục đích duy nhất: Đó là… tiền!

Bản phán quyết của Tòa án quận Fairfax phạt Đơn Dương 200.000 USD.

Được biết, bà Mỹ Hạnh trước năm 1975 là phát thanh viên trong một chương trình tâm lý chiến của Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau khi sang Mỹ, bà ta hùn hạp với Công ty Thúy Nga Paris và trong những buổi ra mắt các băng, đĩa nhạc mới, người ta luôn thấy bà Mỹ Hạnh ngồi trên hàng ghế đầu với cái nhan sắc xế chiều.

Vài nét về Đơn Dương

Họ tên đầy đủ của Đơn Dương là Bùi Đơn Dương, sinh năm 1957 tại Đà Lạt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đơn Dương về TP Hồ Chí Minh, rồi đi làm tại một xí nghiệp dược phẩm. Với cái mã cao ráo, đẹp trai, năm 1982, Đơn Dương lọt vào mắt xanh của đạo diễn Lê Dân trong vai người thương binh tên Dũng - phim "Pho tượng".

Sau đó, Đơn Dương đóng tiếp phim "Vùng trời cho chim câu" của đạo diễn Lưu Bạch Đàn, phim "Bản tình ca" của đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Tuy nhiên, bộ phim đã đưa tên tuổi của Đơn Dương đến với người xem là phim "Ông Hai cũ", trong đó Đơn Dương thủ vai Chính ủy Thắng. Giới phê bình điện ảnh ở Việt Nam hồi ấy đều có chung nhận xét, rằng những phim do Đơn Dương đóng đều là dòng phim nghệ thuật, phần lớn có chiều sâu về mặt nội tâm.

Tổng cộng từ năm 1982 đến năm 2002 - là năm mà Đơn Dương đóng phim "Chúng ta là người lính - We are soldiers" - rồi sau đó là phim "Rồng xanh - Green Dragon", ông tài tử điện ảnh này đã có mặt trong 38 bộ phim, một con số mà không phải bất kỳ diễn viên nào cũng mơ thấy được.

Khi Đơn Dương quay lưng…

Năm 2002, nhận lời mời của một hãng phim Mỹ, Đơn Dương xin đi du lịch ở Mỹ rồi tham gia đóng phim "Chúng ta là người lính" cùng diễn viên Mỹ là Mel Gibson, nội dung bóp méo hình ảnh của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, xuyên tạc chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong phim "Rồng xanh", mở đầu bằng cảnh máy bay B52 ném bom rải thảm rồi cảnh từng bầy trực thăng hốt hoảng hạ cánh để bốc những người Mỹ còn ở lại Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của tháng 4/1975. 

Đơn Dương, trong vai Trưởng trại di tản, đồng thời là trợ lý cho một sĩ quan Mỹ (diễn viên Patrick Swayer đóng), đã thuyết phục những người lính Việt Nam cộng hòa muốn trở về quê hương: "Cậu từng là quân nhân nên họ (ám chỉ chính quyền cách mạng) sẽ không cho cậu một cuộc sống bình thường đâu, không có cơ hội đâu…".

Khi bị công luận trong, ngoài nước lên tiếng phê phán, Đơn Dương đã biện minh rằng những cảnh đó là do đạo diễn cố tình lắp ghép vào, rằng khi đọc kịch bản thì không hề thấy những trường đoạn đó, rằng mình đã bị lừa!…

Tiếp theo, Đơn Dương trả lời phỏng vấn trên một số phương tiện truyền thông của vài nhóm người Việt phản động ở hải ngoại, rồi cho rằng "Phía Việt Nam chưa kết tội tôi, nhưng nó giống như một điềm báo trước".

Ông Lê Văn Duy, Ủy viên Ban Thư ký Hội Điện ảnh, nói: "Đơn Dương không thể biện minh gì được qua bộ phim "Rồng xanh" mà anh ta tham gia vai chính. Hơn 90% lời thoại trong phim là tiếng Việt thì không thể nào nói tôi bị lừa, hoặc tôi không hay biết…". Ông Nguyễn Phúc Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu: "Đơn Dương ra nước ngoài bằng đường du lịch, rồi tự ý đóng hai phim "Chúng ta là người lính", "Rồng xanh", hoàn toàn không xin phép các cơ quan chức năng…".

Chẳng ai muốn giữ lại những người tự mình quay lưng lại với chính quê hương mình, năm 2003, Đơn Dương được Nhà nước Việt Nam cho đi định cư ở Mỹ. Những tưởng sẽ được cộng đồng người Việt đón tiếp trọng vọng nhưng hầu như chẳng ai quan tâm đến việc diễn viên Đơn Dương qua Mỹ.

Sau này, khi tâm sự với một người bạn ở nhật báo Người Việt - xuất bản tại California, Đơn Dương đã cay đắng nói: "Bên Việt Nam, đã là bạn diễn với nhau thì khi muốn gặp nhau, chỉ cần ới một tiếng là có liền. Qua đây, muốn gặp Mel Gibson - là người đóng chung với Đơn Dương trong phim "Chúng ta là người lính" - thì phải đăng ký với thư ký để họ sắp xếp lịch hẹn, chưa kể họ còn hỏi mình như… hỏi cung, đại loại ông là ai, ông gặp Mel về vấn đề gì…".

Thất nghiệp, nhưng để đánh bóng mình nhằm "câu" những quý bà sồn sồn lắm tiền thừa của, mê danh vọng hão, đồng thời cũng để lấy lòng những tổ chức người Việt phản động, cực đoan, Đơn Dương không ngần ngại tuyên bố những câu như: "Tôi không bao giờ muốn rời bỏ quê hương nhưng "họ" đã không cho tôi một lối thoát, "họ" cất đi niềm đam mê diễn xuất của tôi, "họ" cấm không cho tôi đóng phim, "họ" nhục mạ gia đình tôi…".

Tiếp theo, Đơn Dương "nổ": "Tôi đang cùng những bạn bè Việt Nam ở hải ngoại dự định thành lập hãng phim, chọn những kịch bản hay để làm ra phim có giá trị nghệ thuật. Sau khi qua Mỹ, tôi được hãng Paramount ở Hollywood mời đóng phim chung với Tom Hank (một trong những diễn viên nổi tiếng hàng đầu ở Mỹ hiện nay) với phim "Lady Killer" nhưng tôi… từ chối (!?) vì nhân vật trong phim tôi thấy không hợp".

Trở lại với vụ việc Đơn Dương ra tòa, theo luật sư Duc - Trong Le, hiện hành nghề ở Orange County, thì "Đây mới chỉ là vụ xử dân sự. Sắp tới, tòa sẽ còn xem xét thêm về mặt hình sự"

V.C.
.
.
.