Dịch đau mắt đỏ tiếp tục lan rộng ở Hà Nội
BS. Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh (BV Mắt TW) cho biết số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại BV đang tăng nhanh những ngày qua, với khoảng 150-200 người đến khám và điều trị mỗi ngày. Đây chỉ là con số thống kê tại các cơ sở y tế, tức là một phần rất nhỏ và thường là những người bệnh nặng, còn theo các chuyên gia, con số thực tế về số người đau mắt đỏ trong cộng đồng chắc chắn lớn hơn nhiều, do nhiều người bị bệnh ở nhà mua thuốc tự chữa, hoặc đi khám ở các cơ sở y tế tư nhân.
Trước sự gia tăng rất nhanh của dịch đau mắt đỏ, ngày 26/9, một lần nữa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phải lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh này. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này, nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Người dân cần biết đường lây bệnh đau mắt đỏ để phòng, tránh. Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa nhiều virus; dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối; sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi.
Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng có thể làm lây bệnh. BV, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay… những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh. TS. Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết giác mạc, BV Mắt TW, lưu ý: Bệnh nhân không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu, cũng không tự ý chữa theo đơn thuốc của người khác mà nhất thiết phải đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt, vì các dấu hiệu triệu chứng nói trên cũng có ở một số bệnh khác của mắt, như viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn. Ngoài ra còn vì tại một số trường hợp dụi mắt nhiều, hoặc tự ý xông bằng nước lá trầu không khiến cho mắt bị chợt giác mạc, có thể gây viêm loét giác mạc mà nếu không kịp thời điều trị thường để lại sẹo trong giác mạc, làm giảm thị lực.
PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cách nhận biết bệnh đau mắt đỏ để phòng lây nhiễm cho người khác: Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Người bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm, nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.
Cũng theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Khi đã bị bệnh đau mắt đỏ, không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Riêng với trẻ em, khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...