Dạy thêm, học thêm và điệp khúc cấm

Chủ Nhật, 25/08/2013, 13:18
Ngày 22/8, tại cuộc họp tổng kết về giáo dục Mầm non năm học 2012-2013, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng, nghiêm cấm các trường Mầm non trường dạy chữ trước, tập tô chữ cho học sinh. Thông tin này đưa ra không mới, bởi trước đó ngành giáo dục cũng đưa ra quy định không dạy chữ trước khi trẻ vào lớp 1.
>> Năm học mới kiên quyết chấn chỉnh dạy thêm học thêm, thu góp sai quy định

Nhiều ý kiến của người quản lý giáo dục đều cho rằng, không nên dạy chữ lớp 1. Mới đây, có người còn nêu ý kiến, không nên chấm điểm cho học sinh lớp 1. Việc làm này nhằm tránh tạo nên áp lực điểm số cho... phụ huynh, giáo viên. Có như vậy, mới hạn chế được tình trạng học chữ trước của trẻ 6 tuổi.

Tại sao, những người làm công tác giáo dục phải đưa ra những lệnh cấm, những hướng giải quyết như nêu ở trên? Và thực tế, giáo viên và phụ huynh có làm theo quy định của ngành giáo dục, theo lời khuyên của chuyên gia? Những lớp “đại học chữ to” cho trẻ sắp bước vào lớp 1 rộ lên một thời khiến ta choáng váng. Chưa chính thức bước vào trường học, mà trẻ đã phải học thêm. Tự thân đứa trẻ không thể đòi hỏi việc này. Về cơ bản, nó xuất phát từ phụ huynh, từ trào lưu xã hội, sự “cổ súy” của giáo viên và sự buông lỏng quản lý của người làm công tác giáo dục. Phụ huynh lo sợ, khi vào lớp 1 con mình sẽ bị đuối, sẽ không theo được các bạn. Phụ huynh nọ nhìn phụ huynh kia, nên đua nhau cho con đi luyện chữ trước. Giáo viên thì vì thu nhập, sẵn sàng mở lớp “dạy chữ to” cho trẻ. Còn cơ quan quản lý giáo dục thì chấp hành các quy định cấm trong văn bản trong phạm vi nhà trường, ngoài nhà trường là do xã hội từ điều tiết. Cứ thế mới có chuyện, những đứa trẻ học vỡ lòng không phải học ở trường mà... ở nhà cô.

Liệu rồi năm học 2013 - 2014 này, ngành giáo dục có áp dụng việc không chấm điểm cho trẻ học lớp 1 hay không, đến thời điểm hiện tại chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, tại Hà Nội, quy định cấm học thêm trong mùa hè này ở nhà trường được thực hiện khá nghiêm túc. Trong lễ bế giảng năm học 2012 - 2013, phụ huynh bậc tiểu học nhận được thông báo, cuối tháng 7 nhà trường tổ chức học thêm hè. Thế nhưng, khi đến hẹn, phụ huynh đưa con tới trường thì nhận được tin, năm nay các trường không tổ chức dạy thêm hè theo yêu cầu của Sở Giáo dục Đào tạo. Rất nhiều phụ huynh mừng vì cái tin này, bởi con họ được hưởng một mùa hè trọn vẹn 3 tháng. Mừng hơn nữa là, việc chấp hành quy định cấm dạy thêm đã được các trường thực hiện nghiêm túc. Chị Nguyễn Hồng Nga, có con lên lớp 3, ở quận Thanh Xuân là một người không thích cho con học thêm. Chị chia sẻ với tôi thông tin này một cách rất hồ hởi.

Thế nhưng mới đây gặp lại, chị buồn bã cho biết, mặc dù nhà trường không dạy thêm hè nhưng nhiều cô giáo đã tổ chức dạy thêm ở nhà. Con chị không đi học thêm, nhưng rất nhiều bạn trong đi học thêm. Nhìn sang hàng xóm, mẹ chị kể ra hàng loạt, con nhà nọ học lớp 2, con nhà kia học lớp 3, lớp 4..., đứa nào cũng đến nhà cô học thêm. Nhìn con người tuần hai buổi đến nhà cô học thêm với học phí 600.000 đ/tháng, mẹ chị sốt ruột. Mẹ thúc chị phải cho con đi học thêm cho bằng bạn, bằng bè... Là người kiên định nên những tác động này không khiến chị phải sốt sình xịch lên cho con đi học thêm nhưng chị buồn. Buồn vì giữa những quy định và việc làm quá khác xa nhau. Nếu cứ tiếp tục như thế, mọi sự cải cách, điều chỉnh trong giáo dục chẳng khác chi ném đá ao bèo. Cứ thế này, chất lượng giáo dục thật khó đoán định. Và buồn hơn cả là con chị  phải học tập trong môi trường giáo dục mà phụ huynh của nó không mấy tin tưởng. Cái chị lo sợ nhất là phải đầu hàng. Phải chấp nhận cho con đi học thêm chui, phải chạy theo điểm số, chạy theo trường chuyên lớp chọn... mà không biết điểm đến cuối cùng là cái gì.

Quy định cấm dạy thêm, học thêm đã ban hành nhiều năm nay. Nhưng cấm cứ cấm, dạy cứ dạy, học cứ học. Không thể phủ nhận học thêm là cần thiết đối với một số học sinh. Không thể phủ nhận, dạy thêm có tác dụng giúp học sinh hiểu bài hơn, tiếp cận kiến thức sâu rộng hơn. Thế nhưng, những gì đang diễn ra hiện nay đang khiến học thêm trở thành câu chuyện “tít mù rồi lại vòng quanh”

Cao Hồng
.
.
.