Dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với tháo gỡ khó khăn cho DN

Thứ Năm, 18/04/2013, 10:47
Trước tình trạng thất nghiệp ngày một gia tăng, Bộ LĐ-TB&XH đang nỗ lực triển khai những giải pháp để thực hiện mục tiêu về dạy nghề và giải quyết việc làm. Mục tiêu đến năm 2017 sẽ tư vấn hướng dẫn được 15 triệu thanh niên, học sinh và dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 1,2 triệu thanh niên.
>> Nghịch lý DN thiếu người làm - lao động vẫn thất nghiệp

Trong những năm qua, Nhà nước đã có một số chính sách giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp như chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang có chiến lược giải quyết việc làm cho 15 triệu thanh niên, học sinh trong tương lai (từ nay đến năm 2017) bằng các giải pháp thực hiện mục tiêu dạy nghề. Liệu đây có phải là “cứu tinh” cho hàng loạt lao động đang thất nghiệp và sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa tại nước ta?

Chờ đợi bảo hiểm thất nghiệp: Chỉ là giải pháp tạm thời

Phòng BHTN của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vào một ngày đầu tháng 4/2013 đông nghẹt người lao động đến đăng ký. Từ đầu năm 2013 đến nay, hơn một nghìn doanh nghiệp tại Hà Nội giải thể hoặc cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất khiến cho lượng người lao động bị thất nghiệp tăng cao.

Chị Phạm Thị Hương, công nhân của Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam ở Khu công nghiệp Nội Bài, Quang Tiến, Sóc Sơn cho biết: “Công ty thu hẹp sản xuất nên những lao động hết hạn hợp đồng lao động như tôi đều bị nghỉ việc. Đi làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, tôi chỉ được hưởng 3 tháng vì thời gian đóng bảo hiểm có hơn 12 tháng. Tính ra mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng tiền trợ cấp, mà tìm việc thời buổi này khó khăn lắm”.

Cùng cảnh thất nghiệp như chị Hương, một số lao động kêu trời về cách lách luật của một số công ty có 100 vốn nước ngoài chủ yếu về sản xuất linh kiện điển tử, phụ tùng xe máy... Lao động có tay nghề đã làm việc được gần 3 năm, đột ngột công ty thông báo “sắp xếp dồn dịch theo phân xưởng” nhưng thực chất là sa thải những công nhân có thời gian lao động 3 năm và chuẩn bị lên lương. Ở đây công ty không nhằm trục lợi BHTN mà không muốn trả lương cao cho nhân viên. Một mặt sa thải công nhân (chỉ giữ lại số ít có tay nghề ), một mặt vẫn tuyển dụng.

Từ đầu năm 2013 đến ngày 5/4, tại Hà Nội có 5.708 người đến đăng ký BHTN nhưng chỉ có 5.118 người nộp hồ sơ. Những doanh nghiệp có lượng người lao động đến đăng ký BHTN nhiều nhất là Công ty TNHH Canon Việt Nam (90 lao động); Công ty THHH Hoya Class Disk Việt Nam (60 lao động); Công ty cổ phần khách sạn Du lịch Sông Nhuệ (70 lao động); Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (50 lao động)… với lý do thu hẹp sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN thì chính sách BHTN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 và khi đi vào cuộc sống, chính sách đã phát huy rất hiệu quả về chế độ cho người lao động thất nghiệp. Lượng người lao động biết tới chính sách BHTN ngày một nhiều hơn. Trung bình một tháng có 4-5% lao động chất lượng cao đến đăng ký, mức hưởng trợ cấp BHTN từ 9 triệu đồng trở lên. Lý do mà lao động chất lượng cao bị thất nghiệp là do áp lực công việc lớn, chuyển đổi công việc hoặc kết thúc dự án theo năm… Không có hiện tượng người lao động “nhảy” việc để hưởng BHTN. Tuy nhiên đây chỉ là chính sách hỗ trợ cho người thất nghiệp và mang tính tạm thời, nguyên nhân cốt lõi nhất là phải có chính sách tạo việc làm lâu dài cho người lao động để họ có cuộc sống ổn định.

Nhiều công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long đang đứng trước nỗi lo doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Đào tạo nghề cho 15 triệu thanh niên để giải quyết việc làm

Chính sách BHTN ra đời đã mang lại lợi ích cho người lao động như được hưởng chế độ BHTN theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội, được hỗ trợ, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lao động thất nghiệp không nên trông chờ vào trợ cấp thất nghiệp vì mức này chỉ cao hơn mức trợ cấp cho người nghèo một chút, không đáng kể. Vậy lối ra nào cho lao động thất nghiệp hiện nay?

Trước tình trạng thất nghiệp ngày một gia tăng, Bộ LĐ-TB&XH đang nỗ lực triển khai những giải pháp để thực hiện mục tiêu về dạy nghề và giải quyết việc làm. Mục tiêu đến năm 2017 sẽ tư vấn hướng dẫn được 15 triệu thanh niên, học sinh và dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 1,2 triệu thanh niên. Giải pháp quan trọng trong thời gian tới là thực hiện chiến lược dạy nghề từ 2010-2020, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, gắn kết giữa cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai Dự án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” đặc biệt là các hoạt động vay vốn tín dụng ưu đãi để thanh niên học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động.

Hiện nay, do thất nghiệp gia tăng, các trung tâm giới thiệu việc làm mọc lên như “nấm sau mưa”, trong số đó có nhiều trung tâm đã “lừa” người lao động, gây khiếu kiện và mất an toàn xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chú trọng nâng cao năng lực của hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

Tuy nhiên, đó mới là những giải pháp trong tương lai, lao động thất nghiệp hiện vẫn đang tiếp tục tăng lên hằng ngày. Để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, đòi hỏi phải kích thích nền sản xuất, giải phóng đầu ra cho sản phẩm. Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, thì thay vì đầu tư vào một số dự án không mang lại hiệu quả, Nhà nước nên đầu tư, tháo gỡ cho doanh nghiệp để thúc đẩy dây chuyền sản xuất, giải phóng hàng tồn kho, khơi thông thị trường. Đây chính là thời cơ tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2013 vẫn là năm tiếp tục khó khăn cho các doanh nghiệp, các tổng công ty lớn của Nhà nước. Bài toán cho đầu ra sản phẩm và vốn cho mở rộng sản xuất vẫn là những điều cấp bách và thiết thực nhất lúc này.

Thiết nghĩ, ngành Công Thương phải tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại, có phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển được nền công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế tạo và tăng cường tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh thì mới mong giải quyết được việc làm cho người lao động.

Người thất nghiệp được hưởng các chế độ BHTN khi có đủ 3 điều kiện sau: Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật; đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định

H.H.

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.