Đẩy lùi tai nạn giao thông nhìn từ thiết bị giám sát hành trình: Những vướng mắc cần tháo gỡ
Theo đó, các phương tiện này sẽ chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc kết nối và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai thực hiện cũng nảy sinh một số tồn tại cần tháo gỡ.
Thực tế cho thấy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ thiết bị GSHT hay còn gọi là “hộp đen” là một trong những thiết bị điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị GSHT của xe”. Bên cạnh đó, thiết bị GSHT của xe phải đảm bảo việc lưu giữ các thông tin liên quan đến: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe. Quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT trên nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của tài xế cũng như tạo điều kiện cho cơ quan chức năng phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, góp phần đẩy lùi TNGT đau lòng.
Sớm phát huy hiệu quả xử lý vi phạm giao thông dựa trên dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình cung cấp. |
Theo quy định, sau khi lắp đặt thiết bị GSHT, các phương tiện đều chịu sự quản lý, giám sát thông qua việc kết nối, truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Đối với các phương tiện không chấp hành việc lắp đặt thiết bị GSHT cũng như chưa kết nối dữ liệu truyền về trung tâm quản lý sẽ không được cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải… Có một điều không phủ nhận, sau một thời gian đi vào thực tế, việc lắp đặt thiết bị GSHT bước đầu đã cho được một số kết quả, nhiều vi phạm của lái xe về lỗi: phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện quá giờ quy định… đã bị phát hiện nhắc nhở kịp thời; ý thức chấp hành Luật Giao thông của lái xe có sự chuyển biến. Tuy nhiên, qua triển khai vẫn còn một số những tồn tại cần tháo gỡ.
Đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng tháng 7/2014, trên hệ thống quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận dữ liệu của 69.200 phương tiện truyền về. Con số này cho thấy, tỷ lệ số phương tiện truyền dữ liệu so với số lượng phương tiện do các Sở GTVT nhập liệu báo cáo trên hệ thống là khá thấp, mới chỉ đạt khoảng 60%. Tổng số phương tiện vi phạm quá tốc độ và thời gian lái xe trong tháng 7/2014 là hơn 34 ngàn phương tiện, chiếm tỷ lệ 49,9%. Qua phân tích của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng số lần vi phạm quá tốc độ từ 5km/h trở lên trên toàn quốc là hơn 2,252 triệu lần tăng gấp gần 375 ngàn lần so với tháng 6/2014. Đáng chú ý, tổng số lần vi phạm quá tốc độ từ 10-20km/h đạt hơn 825 ngàn lần, chiếm tỷ lệ 21,3%. Bên cạnh đó, tổng số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ bị phát hiện trong tháng 7/2014 là 46,492 tăng hơn 9,1 lần so với tháng 6/2014. Còn tổng số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 10 giờ/ngày là 12,133 lần tăng 1,513 lần so với cùng kỳ tháng trước.
Việc hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới chỉ nhận được dữ liệu của 69.200 phương tiện cho thấy, hiện còn một số lượng lớn các phương tiện chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT. Vi phạm theo đó còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Chưa hết, theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhằm đối phó lại lực lượng chức năng, một số địa phương còn xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắc để tắt thiết bị khi phương tiện chạy quá tốc độ v.v… Về vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật lệ và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện việc áp dụng chế tài phạt “nguội” thông qua kết quả trích xuất từ thiết bị GSHT chưa được thực hiện; các cơ quan chức năng mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp, tài xế vi phạm thông qua kết quả trích xuất từ thiết bị GSHT cũng là một trong những tồn tại khiến một số tài xế vẫn “nhờn luật”. Để rồi, các lỗi vi phạm về phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện quá giờ quy định… vẫn tái diễn, nguy cơ va chạm, TNGT luôn cận kề. Thực tế đã chứng minh bởi nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của lái xe khi điều khiển xe lạng lách, lấn làn đường, vượt quá tốc độ quy định… Do vậy, tới đây, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định, chế tài nhằm phát huy tác dụng hình thức “phạt nguội” dựa vào thiết bị GSHT.
Đồng quan điểm trên, trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay: Bên cạnh việc chưa có quy định, chế tài xử lý như trên, hiện độ chính xác của nhiều thiết bị GSHT mới ở một mức độ nhất định. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm đòi hỏi các thiết bị cho kết quả phân tích phải có độ chính xác cao. Trước thực trạng trên, hiện Bộ Giao thông vận tải cũng đang tiến hành sửa quy chuẩn thiết bị và yêu cầu tăng độ chính xác lên.
Kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị GSHT tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 7/2014 cho thấy, một số địa phương đã thực hiện tốt công tác chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ, có tác động tích cực đến các đơn vị vận tải và đội ngũ lái xe, số lần vi phạm và tỷ lệ vi phạm của các địa phương này trong tháng 7 giảm khá nhiều so với tháng 6 như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Bình Thuận, Hải Dương, Nam Định… Tuy nhiên, một số Sở Giao thông vận tải trong tháng 7/2014 có mức tăng cao số lần vi phạm tốc độ và tỷ lệ vi phạm/1.000km so với tháng 6/2014 nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời như: Lâm Đồng, Nghệ An, Cà Mau, Quảng Ngãi, Phú Yên… |