Đám cưới người Dao

Chủ Nhật, 07/12/2008, 17:46
Đám cưới xuôi cả người cưới lẫn người đi đám cưới đều… không vui. Lên miền ngược, mùa này cũng là mùa cưới, những đám cưới được tổ chức đều đặn sau những đồng đồi, núi rừng nhưng hưng hức sướng vui...

Hôm nay ngày 29, thầy cúng Tẩn Kim Mìn ở bản Càn Khôn (Tả Phìn - Sìn Hồ - Lai Châu) nói đây là ngày đẹp để đón con dâu Tẩn Mi Lan về nhà. Thế là ngay từ buổi sáng sớm, mẹ của Tẩn Xoong đã phải đi rước vợ cho con.

Từ tục đón dâu buổi sớm

Nghe người ở bản nói "Ngày 29 tháng này là ngày đẹp lắm! Ở Tả Phìn có đám cưới, họ ăn uống từ 2 ngày trước nhưng 29 mới rước dâu. Cán bộ có muốn xem cô dâu người Dao thì phải vào bản từ sáng sớm nhé".

Con đường "lạ hoắc lạ hơ" vào Tả Phìn là một sự thách thức với chúng tôi khi phải đi vào từ 3h sáng. Đã vào cuối tháng, trời không có ánh trăng, chỉ có những ông sao mọc chi chít vừa ở cao, vừa ở xa cùng hành trình với chúng tôi. Đường vào bản chỉ toàn là đá, hòn đá nào cũng nhọn hoắt thách thức, phía bên kia là vách núi cao, phía bên này là vực sâu, thỉnh thoảng lại thấy có những thùng sâu như những cái bẫy. Mặt đất tối om như mực…

Thế mà khi đặt chân đến bản, vào được đám cưới của nhà trai, thì tôi thấy những người mẹ Dao vẫn thức, họ hơ hơ tay bên bếp lửa hồng rực để xua đi giá rét và chờ đến giờ đẹp để đi đón con dâu.

Theo tập quán từ lâu đời, người Dao hay làm đám cưới vào mùa đông (tức là trong những tháng 9, 10, 11, 12, 1, 2). Mùa này là mùa hay có đám cưới nhất. Những cô dâu người Dao thường được đón vào buổi sáng sớm, tuỳ vào tuổi tác của hai bên và dòng họ của chú rể (họ Tẩn thì đón vào 4-5h sáng, họ Chẻo thì đón vào 3 đến 4h sáng).

Theo quan niệm của người Dao thì đón dâu buổi sáng là thuận nhất, ưng ý ông trời và chọn được giờ đẹp nhất. Đón dâu trong cái mùa khắc nghiệt, trong làn sương lạnh giá, hơi thở hòa với hơi sương, nhưng gió bấc, giá rét thì lại làm cho cô dâu người Dao xinh lên, da trăng trắng má lại ửng hồng như cô dâu Mi Lan hôm nay. Mi Lan về nhà chồng sớm để làm các nghi lễ sẽ không bị ma theo, sau này sẽ trở thành cô dâu ngoan và đảm.

Không giống như nhiều dân tộc khác ở vùng Tây Bắc (người đi đón dâu là chú rể), với người Dao, người đi đón dâu về lại là việc của mẹ chú rể (tức mẹ chồng). Bởi thế nên từ rất sớm bà đã gọi dàn nhạc của bản gồm người thổi kèn, gõ trống và đánh chiềng cùng vài người thân cận của nhà trai sang nhà gái rước dâu.

Họ đi theo những đường vòng vèo (không đi ngang theo chiều nhà trai hay nhà gái) để tránh ma theo hai họ, vừa đi vừa gõ trống, thổi kèn và đánh chiềng để đánh thức dân làng dậy, tới nhà Mi Lan đưa cô về nhà chồng.

Mẹ chồng trang điểm cho con dâu.

Khi bạn bè của Mi Lan theo các ngả kéo tới nhà cô, thì Mi Lan được kéo vào gian bếp, ở đây cô được mẹ chồng đeo bạc vào khuyên tai, cổ, cổ tay và cả trên ngực áo. Các cô nhà chồng thì vân ve cổ áo, quấn khăn và chỉnh sửa trang phục cho Mi Lan.

Cô dâu người Dao không dùng son phấn, họ mặc quần áo truyền thống trong lễ cưới của mình, tức là mặc quần thêu hoa với chiếc áo nhuộm chàm và đội khăn đen (dài 6 đến 7m) nhưng đẹp lạ lùng.

Sau khi trang điểm cho nàng dâu, mẹ của Tẩn Xoong nói nhỏ vào tai Mi Lan dặn dò. Cô lặng lẽ vào buồng, lấy ra bộ quần áo đã gấp gọn gàng, cô tần ngần thả vào chiếc gùi. Người nhà Mi Lan lặng lẽ đi lấy chăn nhung và 2 chiếc gối mang đi cho cô.

Lúc này trời đã tảng sáng, thiếu nữ người Dao ở khắp bản kéo đến ngày càng đông. Họ mặc áo chàm, quần hoa và mang kiềng bạc xúng xính. Dàn nhạc của nhà trai mang đến biểu diễn ngày một hăng hái... Người nhà trai lên tiếng, cả bản cùng dàn nhạc đưa cô dâu Mi Lan về nhà chồng.

Đến những nghi lễ "lạ lùng"

Cái tục lệ tránh ma theo của người Dao là việc đón và đưa dâu trở nên phức tạp hơn. Đoàn người đi theo hướng chim bay, đi qua nhiều bờ rào, nhiều nương ruộng mới đến được nhà chú rể. Đàn ông mở đường đi trước, cô dâu đi giữa, đàn bà phụ nữ đi sau cùng. Cô dâu được 2 cô bạn che ô đi ngập ngừng, vừa che sương, vừa che gió, vừa che cái ngượng ngùng của cô dâu trẻ người Dao.

Đoàn người đưa dâu về đến nhà trai, ở đây mọi người đều đứng, nhà trai mang gói thuốc lào ra đặt vào tay mỗi vị khách một nhúm. Thay vì trầu cau để tiếp khách như người Kinh thì người Dao dùng thuốc lào để tỏ lòng mến mộ và kính trọng khách.

Lúc này cô dâu Mi Lan được đưa vào đứng trước cửa (mặt hướng ra ngoài, lưng quay vào trong nhà), thầy cúng làm nghi lễ để báo với thần nhà rằng Mi Lan là con dâu, hãy chấp nhận Mi Lan là thành viên thứ 11 trong nhà. Không vì có thêm cô mà xui khiến để gia đình bất hoà.

Thầy cúng sai người nhà bắt 1 con gà con, nắm nó trong tay ông lẩm bẩm đọc lời nguyền, sau đó cắt đứt cổ con gà ném thẳng ra sân, đó là hành động mà người Dao tin rằng sẽ đuổi được con ma còn cố bám theo Mi Lan đi. Sau lễ nhập nhà, Mi Lan được cho vào bếp...

Sau nghi lễ nhập nhà là nghi lễ làm Lý, người nhà trai bầy ra 1 con lợn vừa mới cắt tiết, moi ruột cùng với 8 chén ruợu. Thầy cúng ngồi dưới chiếc ghế và bắt đầu cúng, ông thường xuyên nhấc chai rượu lên và rót liên tục vào 8 chiếc chén kia.

Nghi lễ này để báo với ông bà hay những người đã mất nhà chú rể về sự có mặt của Mi Lan, con lợn như một sản vật để thết đãi người đã mất, để họ không giận dữ về sự có mặt của cô con dâu, không hờn trách và không bắt cô dâu đi. Sau nghi lễ này, Mi Lan mới thực sự trở thành con dâu của cả gia đình.

Trong đám cưới của người Dao ở Tả Phìn ngoài sự huyền bí, thâm trầm của hoạt động cúng bái hay cầu xin thần linh thì còn có sự vui tươi hoan hỉ của các hoạt động ăn, uống hay giải trí ca hát.

Ngay sau khi đưa Mi Lan đến nhà chồng thì bạn bè của cô vào luôn trong bếp, họ đứng xếp hàng và ăn cơm chan với canh ngon lành, còn trên mâm cỗ của người già bày thịt lợn và đậu phụ nướng rán lẫn lộn, họ vừa ăn vừa uống rượu một cách vui vẻ. Trong gian nhà ngoài, dàn nhạc của bản vẫn không ngừng biểu diễn, phía bếp lửa những người đàn ông rít từng điếu thuốc lào. Phía trái nhà, những người phụ nữ đứng tuổi, bế con và rủ rỉ nói cười. Ngoài sân, lũ trẻ con dán mắt vào chiếc tivi xem phim và nghe nhạc...

Phải chờ đến gần trưa thầy cúng mới làm lễ xong. Lúc này có người của chính quyền của Tả Phìn đến, họ tuyên bố Mi Lan và Tẩn Xoong trở thành vợ chồng trước sự công nhận của pháp luật. Lúc này cô dâu với chủ rể mới gặp mặt nhau... Đám cưới lúc ấy mới tạm xong, người Dao ở bản vẫn còn liên hoan, ăn mừng tại nhà trai đến tận hôm sau

Tĩnh Phan
.
.
.