Đắk Lắk: Rừng vùng đệm Vườn quốc gia Chư Yang Sin đang bị tàn phá khốc liệt

Thứ Sáu, 22/05/2009, 10:50
Gần đây, do sự buông lỏng quản lý rừng ở vùng đệm Vườn quốc gia Chư Yang Sin, dẫn tới tình trạng lâm tặc đã tấn công vào vườn quốc gia từ nhiều hướng gây ra nhiều vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép.

Vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Yang Sin nằm ở địa bàn 13 xã của các huyện Krông Bông và Lắk, với diện tích rừng tự nhiên lên tới hơn 100 nghìn ha. Trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Cư Pui, Cư Đrăm, huyện Krông Bông và Đắk Phơi, huyện Lắk.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số hơn 100 nghìn ha, ngoài phần nhỏ giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý bảo vệ thì phần lớn diện tích rừng còn lại ở 13 xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Chư Yang Sin hiện trong tình trạng vô chủ.

Theo tổng hợp của UBND xã Cư Pui, từ năm 1996 đến nay, xã này mất khoảng hơn 3.000ha rừng. Vấn đề đặt ra ở đây là tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Chư Yang Sin, tình trạng dân di cư tự do đến ngày một đông, khiến nhu cầu về đất ở, đất sản xuất trở nên bức xúc, trong khi quỹ đất của địa phương không còn nên bà con tấn công vào rừng.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin hiện trong tình trạng vô chủ.

Chỉ tính ở hai xã Cư Pui và Cư Đrăm, số dân di cư tự do đã lên đến 2.500 hộ với 15 nghìn nhân khẩu. Tính bình quân mỗi hộ cần 2-3ha đất ở và sản xuất, thì diện tích rừng bị phá trong những năm qua ở các xã này đã lên đến 7.000ha. Còn nếu tính cả 13 xã nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Chư Yang Sin thì diện tích rừng bị tàn phá sẽ lên đến hàng chục nghìn ha.

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Yang Sin, muốn giữ được rừng vấn đề quan trọng nhất là phải tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho số bà con sống trong vùng đệm, sống quanh rừng và gần rừng, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do mới đến.

Mặt khác, cần phải tăng thẩm quyền, tăng lực lượng cho các đơn vị kiểm lâm cũng như chủ rừng. Trong giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho người dân cũng phải tính toán lại, để làm sao bà con sống được bằng nghề rừng, thực sự gắn bó với rừng.

Khi chưa giải quyết được những vấn đề trên, thì Vườn quốc gia Chư Yang Sin cũng như các khu rừng đặc dụng khác ở Krông Bông khó tránh khỏi nguy cơ bị tàn phá

Gia Bảo
.
.
.