Đắk Lắk: Hiệu quả từ mô hình “Xã, phường không tệ nạn ma túy”

Chủ Nhật, 02/12/2012, 21:16
Để kéo giảm vấn nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2010, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp bài trừ ma túy, trong đó mô hình “Xã, phường không có ma túy” do Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai xây dựng bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực…

Những năm qua, vấn nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, số người nghiện ma túy ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa ngày càng gia tăng đã biến một số xã, phường thành điểm “nóng” về ma túy.

Để kéo giảm tình trạng này, từ năm 2010, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp bài trừ ma túy, trong đó mô hình “Xã, phường không có ma túy” do Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai xây dựng bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực…

Giải pháp xóa điểm “nóng” về ma túy

Tập huấn kiến thức cho cán bộ, Công an xã thực hiện mô hình điểm “Xã, phường không tệ nạn ma túy”.

Xã Ea Wy, huyện Ea Hleo hiện có 32 thôn buôn với gần 16.000 nhân khẩu, là xã có diện tích canh tác nông nghiệp lớn, đất đai màu mỡ, trình độ dân trí tương đối cao so với mặt bằng dân trí chung toàn tỉnh… Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi do vị trí địa lý đem lại, những năm qua xã Ea Wy cũng được coi là điểm "nóng" về tội phạm ma túy và trật tự an toàn xã hội.

Đầu năm 2010, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Phòng PC47 Công an tỉnh, xã Ea Wy xây dựng và thực hiện mô hình điểm về “Xã, phường không tệ nạn ma túy”. Mô hình tập trung thực hiện các giải pháp cai nghiện tại gia đình. UBND xã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên. Bà Nguyễn Thị Thùy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Để ngăn chặn hiểm họa ma túy, UBND xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy; tác hại của ma túy đối với cộng đồng, gia đình và bản thân người nghiện…”.

Sau gần 2 năm triển khai mô hình, điều đáng ghi nhận là từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã Ea Wy không xuất hiện thêm đối tượng nghiện ma túy; số vụ tệ nạn xã hội giảm 60% so với cùng kỳ 4 năm trước; hàng chục đối tượng cai cắt cơn nghiện hiện đang tái hòa nhập cộng đồng.

Tương tự, xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột) hơn 1 năm trở về trước cũng được xem là xã “nóng” về tệ nạn ma túy. Sau hơn 8 tháng triển khai mô hình “Xã, phường không tệ nạn ma túy” đã huy động được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ đầu tháng 4/2012 đến nay, trên địa bàn xã đã không để xảy ra các trường hợp trồng trái phép cây cần sa, cây có chất ma túy; không còn phát sinh người nghiện mới, kiềm chế làm giảm người nghiện ma túy (từ 32 đối tượng xuống còn 14 đối tượng). Từ một xã có tới 11/15 thôn buôn có tệ nạn ma túy, đến nay đã giảm xuống chỉ còn 6/15 thôn buôn có ít tệ nạn ma túy…

Cần sự vào cuộc cả cộng đồng

Thượng tá Hoàng Tùng Diễn, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tính đến hết tháng 10/2012, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh đã phát hiện được 136 vụ, bắt giữ 197 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, thu giữ 620,7g heroin, hơn 3.000g cần sa khô, 1.750g hạt cần sa, 56,89g Methamphetamine… So với cùng kỳ năm 2011, đã phát hiện và bắt giữ nhiều hơn 37 vụ, 68 đối tượng, thu giữ nhiều hơn 105,52g heroin. Qua đó cho thấy, tình hình tội phạm về ma túy đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, gia tăng tội phạm đồng nghĩa với việc gia tăng người nghiện. Để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng trên thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ cả cộng đồng”.

Đến nay mô hình “Xã, phường không tệ nạn ma túy” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn 15/15 huyện, thị trấn, thành phố trong toàn tỉnh. Trong năm 2012, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh đã phối hợp với các cấp đoàn thể trên địa bàn các huyện, thị trấn tổ chức được 28 buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các trường THCS, THPT và các thôn buôn, thu hút 1.500 lượt người dân và 8.000 thanh niên, học sinh tham dự; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy cho 271 đồng chí là Trưởng Công an xã, Bí thư, Phó bí thư Đoàn cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; tập huấn cho 129 đồng chí là Trưởng Công an xã, 220 cán bộ thôn, buôn về việc triển khai mô hình “Xã, phường không tệ nạn ma túy”; phối hợp với Sở GD&ĐT tập huấn công tác phòng, chống ma túy trong các trường học cho 225 cán bộ phụ trách công tác học sinh, sinh viên tại các trường tiểu học, THCS, THPT, ĐH, THCN…

Theo đánh giá của Thượng tá Diễn, đây là mô hình khả thi nhất từ trước đến nay trong công tác phòng, chống ma túy. Do vậy, cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc trước khi thực hiện rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh

Văn Thành
.
.
.