Sau 7 đến 10 ngày phun khử khuẩn lại thì môi trường sẽ được khử khuẩn tốt nhất

Chủ Nhật, 25/07/2021, 14:12
Trước một số ý kiến và dư luận trên mạng xã hội cho rằng việc phun khử khuẩn không có tác dụng nhiều trong việc khử khuẩn, Đại tá Từ Minh Sơn, Trưởng phòng Hóa học, Quân khu 7, đã có ý kiến phản hồi.


Ngày 25/7, Đại tá Từ Minh Sơn, Trưởng phòng Hóa học, Quân khu 7, cho biết, tiếp tục kế hoạch phun khử khuẩn toàn bộ TP Hồ Chí Minh, trong ngày 25/7 Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tiểu đoàn Phòng hóa 38 (Bộ Tham mưu Quân khu 7), Lữ đoàn Phòng hóa 87 (Binh chủng Hóa học) sẽ phun khử khuẩn trên địa bàn 4 quận. Buổi sáng phun khử khuẩn ở quận 7 và quận Bình Tân, buổi chiều phun ở quận 8 và quận Tân Phú. Cứ như vậy, lực lượng chức năng sẽ lần lượt phun khử khuẩn các quận, huyện khác cho đến ngày 29/7 là hoàn thành.

Trước một số ý kiến và dư luận trên mạng xã hội cho rằng việc phun khử khuẩn không có tác dụng nhiều, Đại tá Từ Minh Sơn cho rằng đây là việc làm dựa trên các nghiên cứu khoa học. Bộ Y tế cũng xác nhận, ủng hộ và cùng tiến hành với các lực lượng của Quân đội để tiến hành phun khử khuẩn toàn thành phố cũng như đã thực hiện ở nhiều nơi trên cả nước.

Phun khử khuẩn trên mặt đường phố ở TP Thủ Đức.

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay, chúng ta phải cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh. Và việc phun khử khuẩn toàn thành phố cũng nằm trong các biện pháp hữu hiệu này. Nếu không có tác dụng thì chúng tôi thực hiện làm gì”, Đại tá Từ Minh Sơn nhấn mạnh.

Tại các đường hẻm, khu dân cư nhỏ, các đơn vị sẽ dùng xe thô sơ và các phương tiện phù hợp để tiếp cận.

Theo Đại tá Từ Minh Sơn, từ đầu tháng 6 đến này, trong tất cả các đợt khử khuẩn tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đều sử dụng chất Cloramin B để pha phun khử khuẩn. Cloramin B có tác dụng tốt nhất khi phun trong thời tiết tốt, không mưa bởi mưa sẽ trôi rửa hết dung dịch, làm giảm khả năng diệt khuẩn. Sau khi phun, Cloramin B sẽ có tác dụng khử khuẩn trong vòng ba đến bốn tiếng và sau bảy đến mười ngày phun khử khuẩn lại thì môi trường sẽ được khử khuẩn tốt nhất.

Cũng theo Đại tá Từ Minh Sơn thì Cloramin B không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Người dân có thể hít thở bình thường. Tuy nhiên, không chỉ với Cloramin B mà với bất kỳ chất khử khuẩn hay dung dịch vệ sinh nào, tốt nhất mọi người đều nên rửa lại sạch sẽ sau khi dính hay sử dụng.

Cloramin B là hóa chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị sử dụng để sát khuẩn cho các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện, trường học, văn phòng; những nơi dân cư tập trung sinh sống như chung cư, khu tập thể, hộ gia đình...

Trước đó, vào ngày 23/7, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tiểu đoàn Phòng hóa 38 (Bộ Tham mưu Quân khu 7), Lữ đoàn Phòng hóa 87 (Binh chủng Hóa học) bắt đầu phun khử khuẩn toàn bộ TP Thủ Đức, tiếp đó là huyện Bình Chánh, mở đầu cho chiến dịch phun khử khuẩn toàn bộ các quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh (từ ngày 23 đến 29/7). TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh là hai trong những địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Sau khi khử khuẩn tổng thể, tùy vào tình hình dịch bệnh, lực lượng chức năng sẽ tăng cường phun khử khuẩn các nơi có diễn biến phức tạp phát sinh.

Theo Thiếu tướng Lê Ngọc Hải, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, dự kiến hơn 200 lượt xe phun khử khuẩn sẽ dùng khoảng 6 tấn hóa chất Cloramin B trên diện tích 50 hecta mặt đường ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức trong 7 ngày. Đối với các đường nhỏ, hẻm sâu, khu dân cư chật hẹp có nguy cơ, các đơn vị sẽ dùng xe thô sơ và các phương tiện phù hợp để tiếp cận. “Việc này sẽ hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh phát tán trong không khí và bám trên các bề mặt”, Thiếu tướng Lê Ngọc Hải cho hay.

Ngoài ra, việc khử khuẩn trên địa bàn dân cư xa, nhỏ, các khu trọ bằng phương tiện tại chỗ cũng sẽ được tiến hành. Sau khi khử khuẩn tổng thể, tùy vào tình hình dịch bệnh, lực lượng chức năng sẽ tăng cường phun khử khuẩn các nơi có diễn biến phức tạp phát sinh.


Phú Lữ
.
.
.