Đà Nẵng: 40 hộ dân ốc đảo làng Vân đã vào đất liền và có nơi ở mới

Thứ Bảy, 25/08/2012, 20:50
Báo CAND các số 2257, 2259 đã cóbài viết về chủ trương của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đưa 40 hộ dân từng là bệnh nhân phong sinh sống tại ốc đảo làng Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu vào đất liền, giúp họ có cuộc sống hòa nhập với cộng đồng, tiếp cận với y học hiện đại. Chủ trương đúng đắn này đã gặp phải sự phản ứng gay gắt, kì thị của người dân tổ 14, phường Hòa Hiệp Bắc, nơi sẽ là khu nhà tái định cư mới của người dân làng Vân, cũng như cách giải quyết thiếu cương quyết, dứt điểm của lãnh đạo chính quyền địa phương, dẫn đến hệ lụy chưa có hồi kết về nơi ở mới của người dân làng phong Hòa Vân.

Sự việc đã khiến dư luận rất quan tâm và có nhiều tranh cãi, nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân tại khu vực tổ 14, và 40 hộ dân làng Vân xung quanh vấn đề tái định cư của người dân làng phong Hòa Vân đã diễn ra. Trước những sự việc nói trên, để ổn định cuộc sống và tinh thần cho người dân,  tại cuộc họp của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã  chỉ đạo các cấp chính quyền thành phố, Ban Quản lý Đền bù Giải tỏa số 3:  “Đến hết ngày 2/9/2012 phải hoàn thành việc xây dựng khu tái định cư, nhà liền kề cho người dân làng Vân và bàn giao mặt bằng làng Vân cho nhà đầu tư…”.

Sau một thời gian khẩn trương, tích cực xây dựng và chuẩn bị, sáng ngày 25/8/2012, gần 40 hộ dân làng phong (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, TP Đà Nẵng) đã chính thức được chuyển vào đất liền sinh sống. Cũng trong buổi sáng ngày 25/8, 40 hộ dân của làng Vân khi vào đất liền ở khu nhà liền kề còn được chính quyền địa phương, các cấp các ngành hỗ trợ 1 bộ bàn ghế, 20 kg gạo, 1 thùng mỳ tôm, 1 cái quạt điện, 1 bộ ấm chén, 1 bộ bếp gas, bình gas với tổng giá trị là 6 triệu đồng/ hộ.

Vui mừng không giấu được cảm xúc, ông Nguyễn Văn Hiệp- Trưởng thôn Hòa Vân, đại diện cho người dân làng Vân cho biết, mong muốn của người dân làng Vân khi vào đất liền là nhà cửa ổn định, quyền lợi được đảm bảo. Đặc biệt, trước đây dân làng Vân gồm những bệnh nhân phong, nhưng bây giờ đã hết bệnh, trở thành một công dân thực thụ, vì vậy họ rất mong muốn có một cơ sở y tế để được chăm sóc những bệnh thông thường. Lớp trẻ vào đất liền mong muốn có công ăn việc làm ổn định.

Ngay khi vào nơi ở mới, người dân làng Vân đã được giao đất để xây nhà và bố trí nhà liền kề. Với những căn hộ khang trang, sạch sẽ gốm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh, ngoài ra còn có diện tích sân vườn phía trước, sân phơi, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng và phòng y tế. Hộ đăng ký nhận đất tái định cư sẽ được bố trí 1 lô đất tái định cư hộ chính đường 5,5m tại dự án khu dân cư phía bắc Trường CĐ Giao thông vận tải, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.  Những người đang điều trị bệnh sẽ được bố trí vào khu chữa bệnh tập trung dành cho bệnh nhân phong…

Người dân làng Vân đã thỏa nguyện với cuộc sống tại nơi ở mới, họ còn một mong muốn nữa đó là nhận được sự chia sẻ, đùm bọc yêu thương của những người hàng xóm xung quanh.                     

Những chuyến xe vận chuyển đưa người dân làng Vân đến nơi ở mới tại tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Hàng chục Đoàn viên Thanh niên tình nguyện của quận Liên Chiểu giúp những người dân làng Vân di dời đến khu tái định cư mới vào sáng 25/8.

Giờ đây ốc đảo làng Vân chỉ còn lại là điểm di tích, và tương lai sắp đến sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn nhất tại TP Đà Nẵng.

Làng Vân hình thành từ năm 1968 với 40 di dân đầu tiên là những người bị bệnh phong đến từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…Hầu hết các thế hệ sau của làng Vân đã hoàn toàn khỏe mạnh. Để đưa người dân làng Vân vào đất liền, UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng khu nhà tái định cư liền kề sát bên đường biển Nguyễn Tất Thành, cạnh khu du lịch Xuân Thiều thuộc tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Công trình hiện đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng vào ngày 25/8/2012.

* Theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Phạm Hùng Chiến, từ năm 1998, bệnh nhân phong ở làng Vân được điều trị khỏi hoàn toàn và được tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó đến nay chưa phát hiện bệnh nhân mới mắc bệnh phong. Hiện một số người dân ở đây chỉ còn lại những di chứng của người bị bệnh phong chứ không phải đang mắc bệnh phong. Do vậy không còn khả năng lây lan cho những người xung quanh và cộng đồng.

Hoài Thu
.
.
.