ĐBSCL: Ứng phó với xâm nhập mặn

Thứ Bảy, 08/03/2014, 00:04
Theo ông Đỗ Trưng, quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, ngay từ đầu tháng 1, các cống đầu mối ven sông Tiền và sông Hậu đã được chuyển sang vận hành theo hướng tích nước ngọt, hạn chế tiêu xổ (chủ động lấy nước vào và hạn chế xả ra) để đảm bảo có nguồn nước ngọt đệm trong nội đồng.

Tại Bến Tre, nước mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông chính hàng chục km, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Ranh mặn 4‰ vào sâu 34-38km trên sông Hàm Luông, Cửa Đại và sông Cổ Chiên. Đặc biệt, ranh mặn 1‰ trên các sông chính này lấn sâu 44-50km. Trên sông Hàm Luông, mặn đã xâm nhập đến xã Mỹ Thạnh An và phường 7, TP Bến Tre (44 - 46km); sông Cửa Đại đến xã Quới Sơn (46 - 48km); sông Cổ Chiên đến xã Thành Thới B (48 - 50km).

Tại Hậu Giang, nước mặn đã xâm nhập vào địa bàn TP.Vị Thanh, với nồng độ mặn đang ở mức khá cao. Để ứng phó với hạn, mặn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thành phố đã có nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống tác hại của nước mặn xâm nhập gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tình trạng xâm nhập mặn ở Trà Vinh được cơ quan chức năng theo dõi liên tục.

Theo Phòng Kinh tế TP Vị Thanh, qua số liệu quan trắc mặn và dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Hậu Giang, dự báo tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn TP Vị Thanh diễn biến hết sức phức tạp, độ mặn sẽ tăng cao từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4/2014 và tiến sâu vào các địa bàn thành phố thuộc xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu và một phần xã Vị Tân.

Do vậy, hiện nay thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến hành khảo sát lại hệ thống các kênh mương trên địa bàn, khảo sát từng khu sản xuất nông nghiệp, triển khai đắp đập thời vụ khống chế nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Khuyến cáo người dân ở thời điểm thích hợp chủ động trữ nước ngọt vào kênh mương nội đồng, đáp ứng yêu cầu cho tưới tiêu trong thời gian xâm nhập mặn. Ngoài ra cũng tăng cường vận động dân thực hiện tu bổ bờ vùng, bờ thửa, sửa chữa các cống đập hư hỏng để đảm bảo không để rò rỉ nước. Nếu độ mặn từ mức 2‰ thì tiến hành đóng cống Kênh Lầu và các cống nhỏ trên tuyến đê bao ấp Thạnh Thắng, Thạnh An của xã Hỏa Tiến…

Trong khi đó, tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), mặn uy hiếp đến toàn bộ thị trấn Long Mỹ, xã Thuận Hưng và Vĩnh Thuận Đông với độ mặn dự báo đạt 9%o. theo Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài đến tháng 5/2014 mới kết thúc và diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng từ 12.000 - 14.000ha…

Hiện ngành chức năng của Hậu Giang đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống xâm nhập mặn như sử dụng phương pháp đắp cống đập thời vụ trên đồng, thực hiện giữ nước trên đồng phục vụ sản xuất và khuyến cáo bà con nông dân không lấy nước vào đồng khi độ mặn đạt 2%o. UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy chủ động phối hợp tốt với Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khi có mặn xâm nhập (độ mặn 0,75‰), đồng thời rà soát, sửa chữa hoàn chỉnh tất cả các hệ cấp nước nông thôn để đảm bảo phục vụ tốt nước sinh hoạt cho người dân trong vùng bị hạn, mặn trong toàn tỉnh. Các địa phương tích cực vận động nhân dân tích trữ nước ngọt bằng các phương tiện trữ nước, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2014

Nam Thơ
.
.
.