Cựu chiến binh gần 20 năm chăm vợ bị trọng bệnh

Thứ Hai, 21/04/2008, 16:29
Người phụ nữ chăm sóc chồng đau ốm, hoặc gắn bó với người chồng thương tật cả cuộc đời, đó là những tấm gương khá phổ biến và đáng nể phục. Nhưng, người đàn ông gần 20 năm chung thủy chăm vợ ốm nặng liệt giường thì quả là hiếm thấy.

Ông Nguyễn Xuân Cường và bà Ngô Thị Tâm ở phố Gia Lâm, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, cách đây gần 50 năm, xây dựng hạnh phúc gia đình với nhau. Lúc đó ông là một chàng trai trẻ, một cán bộ đoàn và chính trị viên xã đội nhiệt tình, sôi nổi, còn bà là một đảng viên trẻ, một cán bộ Hội Phụ nữ xuất sắc.

Trải qua mấy chục năm chung sống, cả hai ông bà đều mang hết sức lực, tuổi trẻ của mình ra công tác. Ông đã từng có 7 năm trong quân ngũ, rồi chuyển ngành về công tác tại UBND huyện Yên Thế và nghỉ hưu năm 1983.

Ông đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ", được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và có 37 năm tuổi Đảng. Cùng với ông Cường, bà Tâm cũng có thâm niên 20 năm liên tục (1963 - 1983) làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp, HTX mua bán và Hội trưởng phụ nữ thị trấn Bố Hạ.

Ngày mùng 8/8/1966, trong khi đang chỉ đạo chị em phụ nữ cấy kỹ thuật tại khu đồng Cửa Chùa thì máy bay Mỹ ập tới bắn phá, bà Tâm đã bị trúng nhiều viên bom bi găm trên cơ thể. Hiện nay, trong người bà vẫn còn một viên bi cách phổi trái 1cm mà qua quá trình điều trị vẫn không lấy ra được. Mặc dù sức khỏe bị giảm sút nhưng bà Tâm vẫn tích cực tham gia công tác đoàn thể và xã hội nên bà đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Tháng 1/1990, do ảnh hưởng những vết thương cũ, lại bị rối loạn tuần hoàn não nên bà Tâm đã ốm nặng và nằm liệt giường từ đó đến nay. Hơn 18 năm qua, ông Cường vẫn luôn chung thủy, tận tình chăm sóc bà chu đáo.

Hôm đến thăm ông bà Cường - Tâm, tôi thực sự cảm động khi thấy ông bưng một chậu nước ấm tới cạnh giường bà nằm, bên cạnh có một chậu than hồng và tắm rửa cho bà. Ông nói như phân bua với khách:

- Mặc dù có 6 đứa con (4 trai, 2 gái) nhưng tôi vẫn nhận phần chăm sóc bà nhà tôi cả ngày lẫn đêm, để các con yên tâm làm ăn.

- Khi bà bị bệnh nặng, ông đã đưa bà đi khắp các bệnh viện từ địa phương đến Trung ương để chạy chữa. Thuốc tây không chuyển, ông lại đi tận Thái Bình - Hải Dương - Hiệp Hòa… tìm cắt thuốc nam để chữa bệnh cho bà. Bà nằm liệt giường 18 năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân của bà ông đều phải trợ giúp.

Cuối năm 2007 vừa qua, ông mời thầy thuốc về tận nhà để châm cứu và tiếp tục chạy chữa cho bà. Nhờ vậy mà cánh tay trái bị liệt của bà đã cử động được và sau 18 năm, bà đã ngồi được xe lăn khi có người hỗ trợ.

Dẫu đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày ông Cường vẫn kiêm mọi việc, từ đi chợ đến giặt giũ, nấu ăn và chăm sóc bà. Ông còn sắm cho bà một cái đĩa nhôm để ngay bên cạnh người để lúc nào nếu bà gọi mà ông không nghe tiếng, thì bà cứ dùng cái đĩa đó gõ thật to vào thành giường là tức khắc ông có mặt ngay.

Không chỉ có vậy, đôi khi do đau đớn vì bệnh tật hành hạ, bà còn rày la ông một cách vô lý, nhưng ông vẫn ôn tồn động viên, cảm thông và chịu đựng. Đi đâu ông cũng nhanh chóng về ngay vì sợ bà "gõ" mà ông không có nhà. Lần nào bón cơm cho bà ăn xong, ông cũng không quên cho bà uống thêm mấy viên thuốc bổ.

Chính nhờ có sự chăm sóc tận tình, chu đáo của ông như vậy, nên bà Tâm đã nhiều lần vượt qua được cơn nguy kịch để đến ngày cả hai ông bà đều được đón nhận một niềm vinh hạnh lớn.

Ngày 3/9/2005, đại diện Huyện ủy huyện Yên Thế và Đảng ủy thị trấn Bố Hạ đã trân trọng tới tận gia đình trao tặng cho bà "Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng" khi bà vẫn đang trên giường bệnh.

Những khi tỉnh táo, nói chuyện với mọi người đến thăm, bà Tâm luôn rưng rưng nước mắt và bảo:

- Tôi đã có một người chồng thật tuyệt vời. Nếu không có ông ấy, tôi không thể sống được đến ngày hôm nay. Tôi biết ơn ông ấy nhiều lắm!

Người dân thị trấn Bố Hạ và các vùng lân cận biết được câu chuyện hơn 18 năm qua ông Cường vẫn ngày đêm tận tình chăm sóc người bạn đời ốm liệt giường thì vô cùng nể phục và coi đó như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Trần Thị Mây Lai
.
.
.