Cùng vợ liệt sĩ thăm Bảo tàng Phụ nữ

Chủ Nhật, 21/10/2012, 09:29
Việc các thành viên trên các diễn đàn trên mạng internet xưng tụng - “Bảo tàng đáng xem nhất” càng khiến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thu hút nhiều khách tham quan. Ngày 19/10 - một ngày trước ngày kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi theo chân đoàn khách hơn 10 người vợ liệt sỹ thuộc câu lạc bộ “Tình thương” ở xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang khám phá nơi này...

20 năm - một câu lạc bộ vợ liệt sỹ

Không phải lần đầu tiên đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhưng lần ghé thăm này với tôi thật đặc biệt. Đó không chỉ là những khám phá mới mẻ mà bảo tàng về giới duy nhất ở nước ta mang lại, mà đó còn là những xúc cảm đặc biệt khi tiếp xúc với những người khách tham quan ở đây. Tôi rất may mắn khi được nhập đoàn với những phụ nữ tóc bạc, da mồi có chồng đi B mãi mãi không về... Cùng tham quan gian trưng bày của bảo tàng, cùng trò chuyện với họ, tôi mới càng thêm hiểu những mất mát, hy sinh và đóng góp của những người phụ nữ rất bình dị này tại nơi lưu giữ những giá trị đã làm nên danh tiếng Phụ nữ Việt Nam.

Sau 4 năm chỉnh lý hệ thống trưng bày thường xuyên, tháng 10/2010 Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa trở lại. Bảo tàng thường xuyên trưng bày 3 chủ đề: Phụ nữ trong gia đình; phụ nữ trong lịch sử; thời trang nữ. Các chủ đề này thể hiện rõ các nghi lễ, phong tục hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình... của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Bên cạnh đó, bảo tàng còn trưng bày các chuyên đề như: Phụ nữ bán hàng rong, tín ngưỡng thờ mẫu... và dịp 20-10 năm nay, chuyên đề “Khám phá Singaoro! Sắc màu di sản” là “sản phẩm” mới nhất trình làng người xem.

Tại gian trưng bày theo chủ đề “Phụ nữ trong lịch sử”, tôi bắt gặp những ánh mắt mờ đục nhòe nước của những người phụ nữ trong câu lạc bộ “Tình thương” đến từ Bắc Giang. Những hình ảnh phụ nữ kiên trung thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hiện lên sinh động đã gợi nhớ trong họ những tháng năm tuổi xuân. Đó là thời kỳ đầy hào hùng. Những đám cưới vội trong ngày nghỉ phép. Những cuộc chia ly với chứa chan hy vọng ngày trở lại. Và tấm giấy báo tử đẫm nước mắt... Hơn ai hết, những vị khách tham quan đặc biệt này hiểu thời khắc đó. Thế mới biết, những hiện vật là lá thư tình gửi từ chiến trường, những cuốn nhật ký viết cho con, viết cho vợ của người lính được bảo tàng sưu tập và trưng bày có giá trị như thế nào. Nó không chỉ giúp gợi nhớ quá khứ mà còn để người trẻ tuổi biết về một thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Tuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tình thương” cho biết, câu lạc bộ thành lập cách đây 20 năm, quy tụ những người vợ liệt sỹ. Chồng của các bà ra đi khi họ mới ngoài 20 tuổi. Thờ chồng, nuôi con, đến nay họ đều là bà nội, bà ngoại. Việc đến thăm bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, được gặp lại những hiện vật từng rất quen thuộc trong đời sống giúp họ thấy một phần đời sống của mình ở trong đó. Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, họ là những hiện vật đặc biệt, bên những hiện vật đã làm nên danh hiệu – Phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang.

Những người vợ liệt sỹ ở Bắc Giang thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày 19/10.

Khám phá phụ nữ Việt Nam qua hiện vật “biết nói”

Trong cuốn sổ ghi lại những dòng suy tưởng tại gian trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui”, tôi thấy có rất nhiều dòng lưu bút và trong số đó có nhiều đoạn viết bằng tiếng nước ngoài. Ở trong phòng xem phim, tôi cũng thấy có khá đông khách nam giới là người Việt lẫn người ngoại quốc.

Bác Nguyễn Hữu Quát, phố Võ Thị Sáu, Hà Nội dành buổi sáng 19/10 để cùng vợ là bác Nguyễn Thị Lâm đến thăm bảo tàng. Đứng bên những hiện vật là cái đó, cái trúm, cái lưới..., những vật dụng rất quen thuộc ở nông thôn Bắc Bộ, bác Quát cho biết, đó là những thứ rất quen thuộc của người nông dân. Thời trẻ, bác công tác ở Hà Nội, cuối tuần về quê đi tát nước giúp vợ rồi đầu tuần lại hối hả lên thành phố. Người phụ nữ Việt Nam tần tảo, sớm hôm chăm lo việc đồng áng, nuôi con nên trải qua rất nhiều vất vả. Thanh niên bây giờ, nhất là những người sống ở thành thị ít biết đến cuộc sống của bà, của mẹ mình khi trước. Nếu ghé thăm những gian trưng bày như thế này không chỉ giúp họ biết hơn về cội nguồn mà còn tích lũy thêm vốn sống. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn chú trọng khai thác và trưng bày chủ đề liên quan đến tín ngưỡng. Gian trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui” là điển hình...

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không chỉ là điểm đến để hiểu hơn về phụ nữ Việt Nam mà thông qua đây, người xem khám phá về văn hóa, phong tục tập quán, về gia đình người Việt. Mong rằng, bảo tàng tiếp tục sưu tầm, gìn giữ và trưng bày những hiện vật làm nên đời sống sinh động của người phụ nữ  - một phần quan trọng đã làm nên nền tảng trong xã hội Việt Nam

Cao Hồng
.
.
.