Cụ già bách tuệ 80 năm tuổi Đảng

Thứ Tư, 10/02/2010, 15:25
Khi tờ lịch mới mở ra ngày 3/2 cũng là thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu mốc son lịch sử 80 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành. Trong số những chiến sĩ cộng sản lão thành vinh dự ghi danh vào đội ngũ của Đảng trong những ngày đầu mới thành lập và còn sống đến hôm nay có cụ Phan Ngọc Bích, bí danh Việt Hồng 100 tuổi, trú ở 246 Nguyễn Công Trứ, khu phố Hùng Vương, phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vừa được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của cụ Phan Ngọc Bích đúng dịp nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể xã hội cùng cán bộ và nhân dân địa phương đến chúc mừng người đảng viên lão thành bách tuế thượng thọ (100 tuổi). Dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng ngày hôm trước (2/2) cụ Bích vẫn đến hội trường Tỉnh ủy Phú Yên dự mít tinh trọng thể kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông là người con duy nhất trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Xuân Long, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và là một trong số 9 người thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng vào ngày 5/10/1930. Đó cũng là ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên tại thôn Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân do đồng chí Phan Lưu Thanh đảm nhiệm chức vụ Bí thư.

Sau một thời gian tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà, đảng viên Phan Ngọc Bích được cấp trên điều động nhận công tác tại Phân ban Xứ ủy Trung kỳ có trụ sở ở đường Gia Long, phủ Qui Nhơn - nay là TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.Tại đó, ông cùng một số đồng chí trong Phân ban Xứ ủy Trung kỳ thực hiện nhiệm vụ in ấn tài liệu, đưa lên xe ôtô vận chuyển ra tận Bồng Sơn, Quảng Ngãi rồi vào Tuy Hòa để rải trong các khu dân cư hoặc cấp phát cho các tổ chức cách mạng ở cơ sở để tuyên truyền sâu rộng đến mỗi người dân về Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Minh.

Có đêm, sau khi rải truyền đơn trên đường Bangalo - nay là Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa, đến sáng hôm sau ông Bích vừa rời khỏi nhà trọ thì bị địch vây bắt, khám xét. Nhưng khi mở chiếc vali bằng mây tre ra, bọn chúng đều phải ngớ người trong giây phút rồi bỏ đi, vì bên trong chỉ có bộ đồ nghề cắt tóc đã được ông học thành thạo từ lúc 15 tuổi (1925). Giữa tháng 3/1931, ông Bích được lệnh trở về lại Phú Yên để vận động và tổ chức các cuộc biểu tình nhằm chống thực dân Pháp, đồng thời mở rộng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Ông là một trong những người đã lãnh đạo công nhân đấu tranh trực diện với người Pháp Hygenol - chủ Nhà máy đường Đồng Bò ở phía Tây đồng bằng Tuy Hòa - nay thuộc xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đảng viên lão thành cách mạng Phan Ngọc Bích. Ảnh : Minh Ký

Trong thời gian bám trụ tại phủ Tuy Hòa, ông Bích đã vận động và tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Nhạn Tháp. Trong một cuộc tiếp xúc với phóng viên Báo CAND, ông Bích nhớ lại, lúc đó binh lính Pháp canh tuần nghiêm ngặt suốt ngày đêm ở các tuyến đường nội phủ và những khu dân cư, thế nhưng ông đã tranh thủ ngày lễ cúng rằm ở chùa Ông để tổ chức lễ công bố sự hình thành của Chi bộ Đảng Nhạn Tháp, tạo sự bất ngờ và thoát khỏi tầm kiểm soát của binh lính Pháp. Dự lễ ra mắt chi bộ có các đồng chí Lê Tấn Thanh, Trương Mộng Quyền, Nguyễn Thị Quén và ông Trương Hở.

Hồi đó, trong vai người thợ cắt tóc dạo thứ thiệt, ông Bích vẫn thường ngược đường lộ từ Tuy Hòa lên La Hai để báo cáo tình hình hoạt động phong trào cách mạng, đồng thời tiếp thu những nội dung chỉ đạo mới của Tỉnh ủy Phú Yên. Trong một chuyến công tác vào đầu tháng 11/1931, ông Bích đã bị lý trưởng Cao Ngạn cùng đám binh lính, tay sai của thực dân Pháp vây bắt tại nhà riêng ở xã Xuân Long. Vừa ập vào nhà, lý trưởng Cao Ngạn đã lớn tiếng với chàng thanh niên Phan Ngọc Bích:  " Mầy theo cộng sản, quan cho đòi mầy xuống tỉnh để hầu tra ".

Suốt một tuần lễ bị giam giữ, các quan tỉnh và viên công sứ người Pháp đã đưa ra nhiều câu hỏi như : " Mầy biết Phan Lưu Thanh không ? ", " Mầy có phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam không ? ". Bất chấp những trận đòn tra khảo của lính Pháp, ông Bích vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Không khai thác được gì, quan Pháp ra lệnh đưa ông về xã Xuân Long để quản thúc tại địa phương. Dẫu vậy, ý chí kiên cường của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã thôi thúc ông vượt qua mọi khó khăn trở ngại, bất chấp hiểm nguy, tiếp tục bí mật kết nối liên lạc với tổ chức Đảng để hoạt động cách mạng.

Sau khi quân đội Pháp đại bại tại chiến trường Điện Biên Phủ vào đầu tháng 5/1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết, chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của các quốc gia bản xứ, theo mệnh lệnh chỉ đạo của Tỉnh ủy Phú Yên, ông Phan Ngọc Bích cùng nhiều đồng đội khoác ba lô, ngược lên miền Tây - nay là huyện miền núi Sơn Hòa. Từ đó, ông bắt đầu hành trình tập kết ra Bắc theo đường rừng suốt nửa tháng trời mới vượt qua sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17.

Thời gian đầu, ông Bích đảm nhiệm công việc cải cách ruộng đất ở các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, sau đó tình nguyện về xây dựng Nông trường Lệ Ninh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chuyên canh sản xuất cao su, hồ tiêu và đã giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc nông trường.

4 năm sau khi ông Phan Ngọc Bích nghỉ hưu, cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc chính thức kết thúc sau đại thắng mùa xuân năm 1975, người đảng viên lão thành về lại quê hương, nhưng cha mẹ và nhiều người thân đã mất. Ngôi nhà tranh vách đất năm xưa - nơi ông đã từng gắn bó suốt một quãng đời niên thiếu chỉ còn lại trong ký ức xa xăm.

Năm 1976, ông Bích vào thị xã - nay là TP Tuy Hòa, mua lại căn nhà nhỏ mang số 246 Nguyễn Công Trứ và tiếp tục tham gia công tác với tư cách Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 6, đến năm 1979 ông mới xin nghỉ ngơi.

Còn nhớ sau khi cụ Bích vượt qua ngưỡng cửa tuổi 90, nhiều người phải bày tỏ sự cảm phục khi nhìn thấy ông vẫn đọc báo, viết thư, nhưng không phải mang kính thuốc, mỗi buổi sáng tập thể dục đều đặn và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng.Và điều đáng trân trọng, kính phục hơn nữa là nhiều năm qua, người đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng Phan Ngọc Bích đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp của mình từ việc dành dụm tiền lương hưu của mình để tham gia một số hoạt động xã hội - từ thiện.

Bây giờ, tuổi cao, sức yếu dần theo dòng chảy thời gian trăm năm, nhưng sau khi nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, cụ Phan Ngọc Bích vẫn bày tỏ niềm vui và ngỏ lời chúc mừng Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 80 tuổi, chúc cán bộ, đảng viên ở Phú Yên giữ trọn niềm tin với Đảng… Tấm lòng và nhiệt huyết trái tim người cộng sản Phan Ngọc Bích sẽ mãi là một trong những ngọn lửa hồng sưởi ấm niềm tin cho các thế hệ đảng viên hôm nay và mai sau

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.