Nhà tàu tiếp tay cho buôn lậu trên tuyến đường sắt?
- Phát hiện vụ vận chuyển hàng lậu bằng đường sắt trị giá hàng chục tỷ đồng
- Vận chuyển hàng lậu qua đường sắt: Khó xử lý vì không được thông báo?!
- Vận chuyển hàng lậu trên tàu tuyến Lạng Sơn - Hà Nội
Nhưng thời gian gần đây, tại nhà ga cuối tạm thời của tuyến đường sắt Bắc - Nam ở TP Biên Hòa, lực lượng Công an liên tục phát hiện tình trạng hàng lậu được vận chuyển với số lượng rất lớn một cách công khai trên các đoàn tàu hàng.
Theo Công an Đồng Nai, sau sự cố sập cầu Ghềnh, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng các chuyến tàu Bắc – Nam dừng lại tại ga cuối trên địa bàn tỉnh này để tăng cường hoạt động. Cụ thể, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, Công an Đồng Nai và Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu – Bộ Công an đã phát hiện 2 vụ với số lượng có trị giá hàng hóa hàng chục tỷ đồng tại ga Hố Nai và Biên Hòa.
Thiếu tá Lê Hoàng Giang – Phó đội trưởng Đội Chống buôn lậu – Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an Đồng Nai cho biết, các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại lợi dụng sự cố sập cầu Ghềnh để trà trộn vận chuyển hàng cấm, hàng lậu trên tuyến đường sắt, tập kết về các ga Hố Nai, Biên Hòa, sau đó chuyển tải lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Gần đây nhất, vào chiều tối 10-6, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Đồng Nai đã lập biên bản tạm giữ khoảng 70 tấn hàng hóa được vận chuyển trên 7 toa tàu thuộc đoàn tàu H7. Hàng hóa gồm đủ loại như: phụ tùng ôtô, xe máy, sữa tắm, linh kiện máy may, quần áo, vải vóc… do Trung Quốc và Thái Lan sản xuất. Số hàng hóa được đóng trong các bao tải, thùng giấy, kiện gỗ.
Đại diện các chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ và cho biết thuê vận chuyển số hàng trên từ ga Hà Nội vào ga Hố Nai, sau đó đưa đi TP Hồ Chí Minh và Bình Dương tiêu thụ. Sau khi kiểm tra tạm giữ số hàng hóa trên, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã mở rộng điều tra vụ việc.
Vận chuyển hàng cấm, hàng lậu bằng đường sắt bị lực lượng chức năng phát hiện. |
Kết quả, ngoài số hàng lậu bị tạm giữ, còn phát hiện bên trong các bao, kiện hàng lậu này chứa cả pháo lậu. Trong số hàng trăm bao, kiện hàng lậu bị tạm giữ, lực lượng Cảnh sát kinh tế còn phát hiện 6 bao chứa pháo bông lậu, xuất xứ Trung Quốc với 180 hộp.
Toàn bộ số pháo trên được ngụy trang trong các bao tải chứa nấm Linh chi vận chuyển từ ga Hà Nội vào ga Hố Nai, sau đó một người quê ở tỉnh Bạc Liêu được chủ hàng thuê để vận chuyển đưa đi TP Hồ Chí Minh. PC46 đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số pháo trên và tiến hành làm việc với các đối tượng liên quan.
Trước đó vào ngày 14-5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an đã phối hợp với Đội Cơ động - Chi cục QLTT Đồng Nai và PC46 - Công an Đồng Nai kiểm tra đột xuất và phát hiện lượng lớn hàng lậu được vận chuyển từ ga Hà Nội về ga Biên Hòa.
Kiểm tra trong các toa tàu vận chuyển hàng lậu này, lực lượng phối hợp đã tạm giữ 246 kiện hàng hóa với tổng trọng lượng 25 tấn, gồm nhiều mặt hàng như: quần áo, mỹ phẩm, túi xách, linh kiện điện tử, đồ đồng giả cổ…; bên ngoài bao bì của nhiều kiện hàng có dán nhãn ký hiệu bằng chữ Trung Quốc. Tổng trị giá số hàng hóa khoảng 12 tỷ đồng. Toàn bộ số hàng hóa nói trên đều không có nguồn gốc xuất xứ.
Theo Thiếu tá Lê Hoàng Giang, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng hàng hóa sản xuất trong nước được chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào Nam trên tàu để ngụy trang, che mắt cơ quan Công an.
Chẳng hạn như lô hàng pháo nổ trên được các đối tượng ngụy trang trong thùng, rồi lấy vải để che chắn hòng tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi Công an liên tiếp phát hiện hàng cấm, hàng lậu được vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường sắt thì đến nay nhà tàu có vẻ như vẫn vô can.
Nói như một cán bộ tham gia bắt giữ hàng lậu thì đặt giả thiết số pháo lậu trên phát nổ trong quá trình vận chuyển, hậu quả sẽ khó lường với hoạt động vận tải đường sắt và người dân. Nhà tàu và các đơn vị khai thác hàng hóa đường sắt không thể có bất cứ lý do gì để biện minh sau một loạt vụ việc vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ “khủng” bị phát hiện vừa qua. Không thể có chuyện vô can, mà đây chính là hành vi tiếp tay cho buôn lậu của nhà tàu.