Có nhất thiết phải đặt Stent?

Thứ Ba, 18/07/2006, 13:50
Khi sự việc xảy ra với bệnh nhân (BN) Đức tại Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ 2 (TP HCM) khiến dư luận rất bất bình trước việc một bệnh viện thực hiện thủ thuật kỹ thuật cao trong nhiều năm mà chẳng ai "nhắc nhở". Ngoài ra, phải chăng bệnh nhân chết chỉ vì "không phép" hay về mặt chuyên môn có vấn đề?

Việc sử dụng Stent trong điều trị bệnh hẹp hoặc nghẽn động mạch vành đang là phương pháp tối ưu hiện nay mà không phải mổ xẻ trên quả tim. Trong đó, đặt Stent chỉ là một thủ thuật nhưng nó được xếp vào kỹ thuật cao bởi các tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết bị kèm theo. Trong đó, tay nghề và tính nhạy cảm nghề nghiệp của bác sĩ được đặt lên hàng đầu.

Kỹ thuật đặt Stent được sử dụng với 2 loại Stent là: Stent thường và "Stent thuốc". Trong đó, Stent thuốc là thế hệ thứ 2 có tính ưu việt hơn khi người ta sử dụng thuốc tẩm để chống lại nguy cơ bị tái hẹp lại mạch vành mà loại Stent thường không có được.

Cũng bởi tính ưu việt này mà giá của "Stent thuốc" trung bình khoảng 3.000 USD/lần đặt (trọn gói). Còn đối với Stent thường, giá đang được thực hiện tại một số BV lớn ở TP Hồ Chí Minh hiện chỉ khoảng 1.000 USD. Trong trường hợp của BN Đức, BV Hoàn Mỹ đã sử dụng Stent thường với giải thích: "Trường hợp ông Đức vì kích thước ĐMV lớn (3,5mm), tỉ lệ tắc cấp trong Stent trong 24 giờ đầu không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa Stent tẩm thuốc và Stent thường".  Tuy nhiên, điều này thực sự chỉ có ý nghĩa giải thích vì trường hợp ông Đức tử vong chưa đầy 2 tiếng sau ca thủ thuật. Được biết, đối với thủ thuật đặt Stent ĐMV cũng có tỉ lệ tử vong nhất định, theo y văn thế giới thì vào khoảng 0,3%.

Bác sĩ phụ trách thủ thuật với BN Đức là Trần Nguyễn Phương Hải. Về mặt chuyên môn, bác sỹ này đã được đào tạo tại BV Chợ Rẫy 1 năm về tim mạch học can thiệp, hồi sức cấp cứu tim mạch và điện tim, đào tạo về siêu âm tim tại Viện Tim TP, đào tạo 1 năm chuyên môn tim mạch can thiệp tại Thái Lan. BV cũng cho biết, tại Thái Lan, bác sỹ này đã thực hiện chụp ĐMV trên 2.000 ca, can thiệp ĐMV 538 ca. Trong đó, có 248 ca "đứng chính".

Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ cố vấn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Quang Huân - Trưởng đơn vị thông tim của Viện Tim TP Hồ Chí Minh. Đây chính là những cơ sở pháp lý mà phía BV đưa ra để chứng minh khả năng chuyên môn của BV hoàn toàn có thể đáp ứng những ca thủ thuật như trên. Nhưng trong các tài liệu mà chúng tôi có được, không có tài liệu nào thể hiện sự có mặt cụ thể của bác sỹ Huân.

Qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, với bệnh nhân hẹp mạch vành đặt Stent không phải là giải pháp duy nhất. Được biết, quyết định điều trị bằng can thiệp mạch vành tùy thuộc vào tổn thương gây hẹp lòng mạch. Nếu hẹp dưới 50-70% thì điều trị nội khoa, không can thiệp. Hẹp trên 70% ở 1 hay 2 nơi khác nhau có chỉ định nên đặt Stent hoặc nong lòng mạch.

Trong trường hợp BN tổn thương quá nhiều nhánh thì không nên đặt Stent vì vừa lãng phí tiền mà hiệu quả lại không cao nếu so sánh với mổ bắc cầu, nhất là những người trên 65 tuổi. Đặt Stent cũng tùy thuộc vào yếu tố cơ địa của BN. Có người sau đặt sức khỏe trở lại bình thường, cũng có người do cơ địa bị hẹp lại hoặc do tiền sử có thêm bệnh khác có thể có những tai biến: nhồi máu cơ tim, đông máu…

Bác sỹ V.M.Đ., một bác sỹ chuyên thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch vành của một BV lớn ở TP Hồ Chí Minh cho biết, BN trước khi điều trị can thiệp cần được chụp ĐMV để xác định tình trạng hẹp, rất cần thiết loại trừ các yếu tố nguy cơ cao như: cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid… Chống chỉ định chụp hay nong trong trường hợp: bệnh MV quá nặng, có khả năng không đặt Stent, chỉ chụp để chẩn đoán hay "chẩn đoán phân biệt". Biến chứng thường gặp là: vỡ ĐMV, chèn ép tim, nhồi máu cơ tim cấp…

Xin nêu thêm một ví dụ điển hình về việc nên đặt Stent hay mổ bắc cầu. Đó là trường hợp ông Nguyễn Tấn Quang - Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam. Người từng có ý định đặt Stent và đã thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cũng như tham khảo giá cả ở một BV chuyên về tim mạch tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, ông đã quyết định được mổ bắc cầu tại BV Thống Nhất và hiệu quả thấy rõ. Thay cho đơn giá 10.000 USD cho 3 Stent tại BV chuyên ngành kia, ông chỉ phải trả 43 triệu trong đó bao gồm cả mổ pharco, được điều trị thêm cả về bệnh gút, u xơ tiền liệt tuyến.

Có thể nói trong nhiều trường hợp, chẩn đoán và chỉ định điều trị nhất là trong trường hợp sử dụng kỹ thuật cao như can thiệp ĐMV, với BV khác nhau, người ta dễ dàng có được "lời khuyên thầy thuốc" khác nhau. Đúng sai về chuyên môn kết luận cuối cùng Hội đồng Khoa học công nghệ SYT TP Hồ Chí Minh sẽ công bố, nhưng ở đây rõ ràng có sự khác biệt lớn về giá trị điều trị. Liệu có là một trong những tác nhân để bác sỹ đưa ra những chỉ định điều trị mà "lấp ló" đằng sau những lời giải thích dường như yếu tố kinh tế cũng góp phần làm chất "xúc tác" để đưa ra những chỉ định có thể rất tốn kém mà chưa chắc phù hợp với BN.

Trở lại với vụ việc, ông Đức rõ ràng không nhất thiết phải đặt Stent ngay mà có thể chỉ chụp để chẩn đoán hay "chụp để chẩn đoán phân biệt". Gia đình BN phải quyết định đặt Stent hay không ngay trong vài phút theo yêu cầu của bác sỹ chỉ vì lý do "tiện", do BN đang nằm trên bàn thủ thuật, rõ ràng là không ổn. Hơn nữa, BV cam kết không có sai sót về mặt chuyên môn nhưng chỉ với một dòng: "thuyên tắc cấp trong Stent" để nói về nguyên nhân BN tử vong thì chưa đủ thuyết phục

Huyền Nga
.
.
.