Cô gái Nhật giúp nông dân Huế tiêu thụ nông sản sạch
Đến “Cửa hàng nông dân” ở số 44 Hai Bà Trưng, TP Huế, chúng tôi thật sự bất ngờ trước những thông tin giới thiệu tên tuổi, địa chỉ của nhà sản xuất trên mỗi sản phẩm rau, củ, quả được bày bán ở đây. Càng ngạc nhiên hơn khi chủ cửa hàng này là một cô gái Nhật Bản, nói tiếng Việt rất chuẩn. Đó là chị Katayama Emiko. “Mình ghi thông tin vậy để khách hàng họ có thắc mắc gì thì liên hệ trực tiếp với người sản xuất luôn. Như vậy vừa tạo niềm tin, vừa mang lại uy tín với người tiêu dùng”, Emiko giải thích.
Qua trò chuyện, Emiko kể rằng, sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Tokyo, do cảm mến đất nước và con người Việt Nam, năm 2005, chị đã tình nguyện sang Việt Nam để thực hiện dự án Nhịp cầu châu Á - Nhật Bản (Bridge Asia Japan - BAJ) tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, chị được bổ nhiệm làm Giám đốc của dự án BAJ tại Huế.
“BAJ là một tổ chức phi chính phủ, đối tác của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm triển khai các dự án cộng đồng và phát triển bền vững tại Việt Nam và Myanmar. Suốt hơn 3 năm qua, dự án này đã phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND TP Huế thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa nhằm đem lại lợi ích cho người nông dân”, Emiko chia sẻ.
Chị Emiko kiểm tra các sản phẩm nông sản tại “Cửa hàng nông dân” số 44 Hai Bà Trưng, TP Huế. |
Năm 2012, dự án này do Emiko cùng các cộng tác viên bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm ở phường Thủy Xuân (TP Huế) và giúp gần 40 hộ dân ở phường này xây dựng hầm biogas tạo khí đốt, điện thắp sáng. Đến nay, dự án đã được triển khai mở rộng trên 3 phường, gồm: Thủy Xuân, Thiểu Biều và Hương Long, TP Huế.
Emiko cho biết, trong quá trình đến tìm hiểu trực tiếp tại các hộ dân để hỗ trợ kinh phí giúp người dân xây dựng hầm biogas, chị đã phát hiện phần lớn trong vườn nhà người dân đều có trồng các loại rau, củ, quả, nhưng lại không có đầu ra tiêu thụ. Nghe bà con nông dân nói vậy, chị liên tưởng đến “Cửa hàng nông dân” ở Nhật Bản. Bởi ở Nhật, số lượng người già làm nông nghiệp rất lớn, do mô hình sản xuất nhỏ nên sản phẩm của họ làm ra không được các hợp tác xã tiêu thụ, vì thế họ đành ký gửi nông sản ở các cửa hàng để bán. Chị đã lấy ý tưởng này để xây dựng một “Cửa hàng nông dân” ngay tại trung tâm TP Huế và hướng dẫn người dân quy trình phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.
Hiện “Cửa hàng nông dân” của chị có đến 30 mặt hàng nông sản từ các loại rau, củ, quả đến gạo, ớt, thịt gà, thịt heo và các thực phẩm sạch đã qua chế biến do người nông dân trên địa bàn TP Huế cung cấp. Đây là cửa hàng thực phẩm độc đáo nhất của Huế. Rau, củ được bày bán ở đây rất an toàn, hoàn toàn không có phun, tẩm các loại thuốc hóa học nên gia đình rất yên tâm. Đặc biệt nhất là cửa hàng còn cung cấp thông tin của người sản xuất trên các sản phẩm để giúp người mua có thể tìm hiểu…
Ông Võ Quang Thắng, trú phường Thủy Biều, TP Huế, một trong 11 hộ dân cung cấp sản phẩm cho “Cửa hàng nông dân”, trải lòng: “Gia đình tui chuyên cung cấp rau má, rau khoai, chim bồ câu... cho cửa hàng. Do thực hiện theo kiểu “nhà vườn” nên ngày nào tui cũng có sản phẩm rau sạch đến ký gửi tại cửa hàng này. Nhờ cửa hàng mà nông sản bán chạy hơn, giúp gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt là rau quả cung cấp tại đây sạch hoàn toàn 100%, không bị phun bất cứ loại chất gì...”.
Điều đáng nói, thông qua các thông tin từ các trang web quảng bá du lịch, “Cửa hàng nông dân” của Emiko không những thu hút người Huế đến mua hàng, mà còn là điểm đến thường xuyên của nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Nhật. “Khách nước ngoài đến Huế thường chỉ biết mua đặc sản Huế là mè xửng làm quà, chứ họ không hề biết ở Huế còn có những “đặc sản” khác. Vì thế, mình thường giới thiệu sản phẩm mứt bưởi, muối xả hay gạo dẻo do nông dân Huế chính tay làm nên để quảng bá cho du khách, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Cố đô Huế và giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhiều hơn. Tới đây, mình sẽ quyết tâm mở rộng mô hình này”, chị Emiko bày tỏ.